Theo ông Hứa Thanh Nhàn - Giám đốc Công ty Điện lực Kiên Giang cho biết, đưa điện lưới quốc gia đến với người dân vùng nông thôn xa và hải đảo để phục vụ sản xuất và sinh hoạt là nhiệm vụ trọng tâm của ngành điện trong nhiều qua. Nhờ đó, nhiều vùng nông thôn xa, hải đảo hiện nay đã sử dụng điện lưới quốc gia, giúp cho cuộc sống tinh thần và vật chất của người dân thay đổi từng ngày. Hiện tại mạng lưới điện đã phủ kín đến hơn 98% hộ dân sử dụng điện nhưng hiện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vẫn còn nhiều nơi chưa có điện hoặc người dân sử dụng điện tự câu đuôi, hoặc người có điện lưới quốc gia cho những hộ chưa có điện sử dụng nhờ, gây khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất và không đảm bảo an toàn điện. Để đầu tư phát triển lưới điện phủ kín vùng chưa có điện phải cần số vốn rất lớn, do vậy việc đầu tư cần phải được ưu tiên cho các địa phương trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới, những nơi đông dân cư, suất đầu tư thấp và những nơi đang cấp thiết nhất về nhu cầu sử dụng điện.
Cụ thể, trong năm 2020, PC Kiên Giang đã đầu tư gần 44 tỷ đồng xây dựng mới 141km đường dây trung thế, xây dựng mới 213km đường dây hạ thế 1 pha và hỗn hợp; lắp mới 236 trạm biến áp với tổng dung lượng 5.900 KVA tại các vùng nông thôn xa. Năm qua, PC Kiên Giang cũng đã đầu tư hơn 31 tỷ đồng để giúp cho hơn 6.000 hộ trên địa bàn vùng sâu xóa câu phụ điện kế. Không chỉ đưa điện đến với người dân vùng sâu vùng xa trên đất liền, ngành điện miền Nam còn nỗ lực kéo điện lưới quốc gia ra các đảo xa như đảo Hòn Tre, Lại Sơn, Phú Quốc… của tỉnh Kiên Giang, giúp người dân ở đây nâng cao đời sống và phát triển kinh tế.
Theo ông Nhàn, tính từ năm 2016 đến nay, sản lượng điện cung cấp cho xã Hòn Tre và Lại Sơn mỗi năm tăng bình quân 30%, do nhu cầu sinh hoạt, phục vụ các dịch vụ về du lịch, dịch vụ hậu cần nghề cá, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp không ngừng tăng trưởng. Khi có điện lưới quốc gia đã khơi dậy tiềm năng kinh tế, giúp cuộc sống của cư dân trên các đảo ngày càng làm ăn khấm khá đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.