"Rục rịch" mở cửa sau kỳ nghỉ kéo dài
Khi các nhà sản xuất ở Trung Quốc đã hoạt động trở lại vào ngày 10/2, thì có một điều không thể chắc chắn, đó là khi nào họ mới sản xuất với năng suất tối đa hoặc sự gián đoạn nào có thể xảy ra trong thời gian tới.
Nhà sản xuất công nghệ Foxconn - hãng lắp ráp theo yêu cầu lớn nhất thế giới, đã cảnh báo nhà đầu tư về tình trạng hỗn loạn có thể xảy ra khi hàng nghìn công nhân quay trở lại các nhà máy. Đối tác quan trọng nhất của Apple cũng cảnh báo về khó khăn trong thời điểm này là đảm bảo đủ số lượng công nhân làm việc khi nhiều thành phố bị phong toả, kiểm soát gắt gao.
Hơn nữa, công ty này còn lo ngại về "cơn ác mộng" có thể khiến hoạt động sản xuất bị ngừng hoàn toàn. Tuần trước, Bloomberg đưa tin, Foxconn đã đưa ra lời cảnh báo chưa từng có rằng các công nhân chưa nên đến trụ sở ở Thâm Quyến cho đến khi có thông báo mới của chính phủ.
Trưởng bộ phận quan hệ nhà đầu tư của Foxconn, Alex Yang, cho hay: "Việc chúng tôi đảm bảo không xảy ra tình trạng lây nhiễm trong môi trường làm việc sẽ là ưu tiên lớn nhất, bởi nếu bạn để rất nhiều người tập trung và 1 trong số đó nhiễm bệnh, thì thực sự đó sẽ là một cơn ác mộng. Chúng tôi nỗ lực rất nhiều để chắn chắn rằng khả năng xảy ra trường hợp như vậy sẽ thấp ở mức 0, dù rất khó khăn."
Thiếu hụt nhân sự vì lệnh hạn chế di chuyển
Sự lây lan của virus corona cho thấy Trung Quốc đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động sản xuất toàn cầu, từ quần áo, hoá chất cho đến ô tô và đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Hầu như mọi thiết bị điện tử tiêu dùng phổ biến đều được sản xuất tại quốc gia này, từ iPhone cho đến máy chơi game cầm tay hay màn hình LCD.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã khiến các nhà máy trên khắp Trung Quốc phải kéo dài thời gian ngừng hoạt động. Sự gián đoạn còn trở nên tồi tệ hơn nếu việc kiểm dịch và nhiều chuyến tàu, chuyến bay bị huỷ bỏ thì hàng triệu người làm việc tại trung tâm lắp ráp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Khi họ trở lại các thành phố để làm việc, thì một số người trong đó sẽ bị cách ly khoảng 2 tuần. Trong trường hợp xấu nhất, bất kỳ yếu tố gây gián đoạn nào tại các nhà máy ở Trung Quốc sẽ khiến các phần của chuỗi cung ứng "đóng băng" vì thiếu hụt nhiều bộ phận.
Nhà phân tích về chuỗi cung ứng của TF International - Kuo Ming-chi, ước tính rằng cơ sở sản xuất iPhone chính của Foxconn sẽ tiếp tục hoạt động vào tuần tới và với công suất 40% đến 60%. Citigroup dự đoán chỉ 30% lực lượng lao động ngành bán dẫn của Trung Quốc sẽ làm việc trở lại kể từ ngày 11%.
Hôm 9/2, Foxconn cho biết họ đang làm việc với các chính quyền địa phương để chuẩn bị cho nhân viên làm việc trở lại, nhưng không tiết lộ chi tiết. Chính quyền quận Longhua ở Thâm Quyến cho biết họ đã hỗ trợ Foxconn điều chỉnh lại kế hoạch. Cơ quan này viết trong bài đăng trên WeChat: "Để bảo vệ sức khoẻ, đảm bảo sự toàn cho mọi người và tuân thủ các biện pháp phòng chống virus của chính phủ, chúng tôi khuyến nghị người lao động chưa nên quay trở lại Thâm Quyến. Hãy chờ đợi những thông báo sau."
Tuần trước, Hon Hai Precision Industry (công ty mẹ của Foxconn) đã hạ triển vọng đối với năm 2020, dự đoán sự gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất của Apple ở Trung Quốc, nhu cầu của người tiêu dùng cũng sụt giảm và tăng trưởng kinh tế nhìn chung cũng chịu tác động đáng kể.
Sự gián đoạn trong sản xuất không chỉ xảy ra đối với ngành điện tử hay công nghệ. Nhiều nhà máy sản xuất ô tô lớn nhất thế giới cũng chưa hoạt động trở lại. Nhà máy của Toyota đã tạm ngừng hoạt động cho đến ngày 9/2, họ cho biết dự định sẽ quay trở lại vài ngày 17/2. Honda cũng thông báo nhà máy ở tỉnh Hồ Bắc sẽ mở cửa vào ngày 14/2 và chính thức hoạt động lại vào ngày 17/2. Volkswagen cũng đưa ra thông báo tương tự.
Sản lượng ở nửa đầu năm nay khó có thể bù đắp
Thực ra, có một điều thường diễn ra đối với Foxconn đó là, nửa đầu năm thường là khoảng thời gian "yên ắng" đối với lĩnh vực điện tử tiêu dùng, bởi doanh số trong kỳ nghỉ đã tăng vọt và iPhone mới ra mắt vào mùa thu. Alex Yang nhấn mạnh rằng sự gián đoạn này có thể kiểm soát được và Hon Hai có thể bù đắp cho việc sản lượng bị thiếu hụt ở đầu năm 2020.
Một số công ty lớn trong ngành công nghệ gồm Sony, Samsung cho biết hoạt động sản xuất ở Trung Quốc sẽ được tái khởi động như dự kiến. Nhà máy Tesla ở Thượng Hải cũng mở cửa vào ngày 10/2 và Pegatron - công ty lắp ráp của Apple, cũng đang tái khởi động quá trình sản xuất.
Dẫu vậy, quá trình sản xuất lại phụ thuộc nhiều vào mức độ và quy mô lây lan của dịch bệnh. Nếu dịch viêm phổi cấp do 2019-nCoV đạt đỉnh sớm, thì tính liên kết của nguồn cung toàn cầu sẽ trải qua khoảng thời gian biến động chưa từng thấy. Việc chỉ 1 thành phần bị thiếu hụt sẽ tạo ra "hiệu ứng lan toả" cho toàn bộ chuỗi cung ứng, khi khiến quá trình sản xuất bị trì trệ sau đó ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ hệ thống mà các công ty từ Apple đến Huawei và công ty sản xuất màn hình BOE phụ thuộc vào.
Không như những năm trước, Foxconn hiện tại chưa thực hiện chương trình truyển dụng hàng trăm, hàng nghìn công nhân hàng năm để lắp ráp các thiết bị như máy PlayStation của Sony và máy tính HP. Các giám đốc điều hành địa phương đang chờ đợi khi diễn biến của dịch bệnh có chuyển biến tích cực hơn và nỗ lực thực hiện các biện pháp ứng phó nhanh với virus corona. Do đó, nhà máy lắp ráp iPhone ở Trịnh Châu chỉ có một số ít công nhân không về quê trong dịp lễ khi mở cửa trở lại vào ngày 10/2. Phần lớn nhân viên của họ có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển.
Virus corona bùng phát thậm chí còn khiến số lượng lao động hiện có bị thu hẹp. Nguồn tin thân cận tiết lộ, Foxconn sẽ tạm thời ngừng tuyển dụng nhân viên đến từ tỉnh Hồ Bắc - "tâm chấn" của dịch bệnh. Công ty cũng yêu cầu các công nhân hiện đang ở Hồ Bắc và 7 thành phố khác ở tỉnh Hà Nam, Chiết Giang và Giang Tô không nên quay trở lại làm việc.
Ở góc độ vĩ mô, các nhà kinh tế vẫn đang "trăn trở" khi đánh giá những tác động đối với nền kinh tế do dịch bệnh này gây ra. Khi dịch SARS đã là một ký ức tồi tệ đối với Trung Quốc và các nước láng giềng, thì ở thời điểm đó ảnh hưởng đối với toàn cầu lại không quá lớn vì quốc gia này chỉ chiếm 4% GDP toàn cầu. Còn hiện tại, con số này đã là 17%. Điều này có nghĩa là, kể cả khi dịch bệnh đạt đỉnh ở thời gian sớm và các nhà sản xuất tăng gấp đôi giờ làm để bù đắp cho sản lượng thiếu hụt, thì họ cũng khó có thể đáp ứng được nhu cầu đối với các thiết bị trong mọi lĩnh vực vào cuối năm 2020.
BT (TH)