Khi Big Tech đụng độ với Chính phủ

10:56 15/01/2022

Những "gã khổng lồ" công nghệ được ví như các nước đang phát triển thiếu các thể chế quản lý phù hợp. Nếu quản lý không hiệu quả ngành công nghệ sẽ gia tăng chi phí cho xã hội và doanh nghiệp.

Những
Những "gã khổng lồ" công nghệ cũng giống như các nước đang phát triển thiếu thể chế quản lý phù hợp. (Ảnh: Getty Images) 

Bước sang năm 2022, công nghệ kỹ thuật số tiếp tục làm thay đổi cuộc sống của chúng ta cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Trong kịch bản xấu nhất, công nghệ là "con dao hai lưỡi" điều hướng thông tin, lũng đoạn thị trường. Tin tặc sẽ đánh cắp dữ liệu cá nhân, tấn công hệ thống mạng của doanh nghiệp. Tất cả những mối đe dọa này sẽ ngày càng lớn hơn trong không gian số hóa, nơi các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đặt ra quy tắc thay cho Chính phủ. 

Xuyên suốt gần bốn thế kỷ, các quốc gia đã vạch ra ranh giới và thực thi quy định chi phối xã hội cũng như cuộc sống. Nhưng ngày nay, giới công nghệ đang tái thiết, tái xây dựng, tái quản lý một khía cạnh hoàn toàn mới về kinh tế và tương tác xã hội. Họ viết ra những thuật toán quyết định những gì chúng ta nhìn thấy, nhận thấy, nắm bắt cơ hội và ảnh hưởng đến định hướng cá nhân. 

Rất nhiều chức năng nhà nước hiện phụ thuộc nhiều hơn vào kỹ thuật số. Tương tự, các cá nhân sẽ dành nhiều thời gian làm việc tại nhà, tham gia metaverse nơi tất cả vấn đề đều được giải quyết bằng số hóa. Mặt khác, metaverse liên kết chặt chẽ với hệ thống kinh tế dựa trên nền tảng blockchain phi tập trung mà các Chính phủ đang vật lộn để kiểm soát.

Thông qua nhiều nỗ lực, Liên minh châu Âu sẽ thông qua luật mới vào năm 2022 nhằm hạn chế một số hoạt động kinh doanh của Big Tech. Cơ quan quản lý Hoa Kỳ tiến hành các vụ kiện chống độc quyền và đề ra bộ quy tắc, quyền riêng tư kỹ thuật số. Trung Quốc tiếp tục gây sức ép buộc các doanh nghiệp lớn tuân thủ ưu tiên quốc gia. Thậm chí, các Chính phủ sẽ hạn chế truyền dữ liệu xuyên biên giới. Cho đến nay, chưa một Chính phủ nào có thể "cầm chân" hoàn toàn được Big Tech hay thách thức lợi nhuận và sức ảnh hưởng khủng của nhóm này. 

Đây không chỉ là thách thức riêng của Hoa Kỳ hay phương Tây mà là vấn đề của một thế giới đang phát triển. Các chính phủ phải đối mặt với sự đánh đổi giữa quyền truy cập vào các dịch vụ kỹ thuật số cần thiết để nắm bắt cơ hội kinh tế, đồng thời đối phó rủi ro an ninh mạng, thông tin sai lệch. Là quốc gia sở hữu bộ máy giám sát, tường lửa internet phức tạp nhất thế giới, Trung Quốc cũng không tránh khỏi những hệ lụy trên. Nếu nước này kìm hãm mạnh tay những người có năng lực kinh doanh, giới đầu tàu kinh tế tư nhân, quốc gia không thể phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cần thiết. Trong nhiều trường hợp, chính những công ty mà Bắc Kinh coi là mối đe dọa tiềm tàng đối với chế độ lại là trụ cột không thể thiếu trong nền kinh tế của nước này - một tình thế nan giải đối với bất kỳ chế độ quốc gia. 

Hội nghị Internet Thế giới tại Wuzhen
Hội nghị Internet Thế giới tại Wuzhen. (Ảnh: Reuters) 

Thế giới ngày nay thiếu sự lãnh đạo toàn cầu. Không một chính phủ hay liên minh nào có thể bao quát vô số vấn đề toàn cầu như Covid-19, biến đổi khí hậu, giải quyết xung đột,.. nhưng không gian kỹ thuật số còn nan giải hơn. Những "gã khổng lồ" công nghệ được ví như các nước đang phát triển thiếu các thể chế quản lý phù hợp. Nếu quản lý không hiệu quả ngành công nghệ sẽ tăng chi phí cho xã hội và doanh nghiệp. Và khi các công ty công nghệ và Chính phủ không thống nhất trong quản lý quyền riêng tư dữ liệu, sẽ rất khó để sử dụng trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng an toàn và có đạo đức.

TL