Khánh Hòa: Xử lý kiến nghị của các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà

14:41 25/10/2021

Với lý do bởi ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19, sản xuất ngừng trệ, nên việc sử dụng điện bị giảm thiểu nghiêm trọng, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã có văn bản Thông báo cho các doanh nghiệp sản xuất điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) sẽ cắt giảm sản lượng điện 4 tháng cuối năm lên đến 70%. Trước thông tin này, các doanh nghiệp ĐMTMN ở các tỉnh miền Trung đã phản ứng mạnh mẽ.

ĐMTMN ở Khánh Hòa (Ảnh Minh Họa)
ĐMTMN ở Khánh Hòa (Ảnh Minh Họa).

Từ đầu năm 2021, các doanh nghiệp ĐMTMN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa phải cắt giảm khoảng 15% công suất theo yêu cầu của điện lực, nhưng 4 tháng cuối năm con số này là 70%. Theo các nhà đầu tư, trung bình doanh nghiệp có ĐMTMN khoảng 1 MW sẽ thu được khoảng 300 triệu đồng/ tháng. Trong đó, doanh nghiệp phải trả tiền gốc và lãi ngân hàng khoảng 170-180 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể tiền khấu hao và nhân công. Nhưng nếu 4 tháng cuối năm cắt giảm 70%/ tháng tương đương việc doanh nghiệp chỉ thu về khoảng 100 triệu đồng/tháng. Số thu này không đủ trả lãi và gốc ngân hàng và các khoản khác. Việc các Công ty cổ phần Điện lực đơn phương tiết giảm hơn 70% sản lượng điện của các chủ đầu tư (CĐT) sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi, thậm chỉ đẩy các DN lâm vào tình trạng phá sản, đẩy hệ thống ngân hàng vào thế “vô tín dụng” gây ảnh hưởng rất xấu đến tinh hình an ninh, chính trị tại địa phương.

Trước sự phản ứng đó của các địa phương, ngày 25/9/2021  EVNCPC có văn vản gửi EVN báo cáo: Sau khi có chủ trương cắt giảm mua ĐMTMN, ở Gia Lai, các nhà đầu tư đã tụ tập khiếu nại tập thể trước trụ sở Công ty CP Điện lực tỉnh; Đắk Lắk khiếu nại đến nhiều cơ quan ban, ngành từ địa phương đến Trung ương; Khánh Hòa nhiều chủ đầu tư ngoài việc gửi đơn khiếu nại đã thuê Luật sư chuẩn bị khởi kiện Công ty cổ phần Điện lực tỉnh vi phạm Hợp đồng mua điện. Báo cáo của EVNCPC còn cho biết: Chủ trương này của EVN cũng không được sự đồng thuận của chính quyền nhiều địa phương, cho rằng: Việc giảm huy động ĐMTMN đã làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư cũng như ảnh hưởng đến thu ngân sách của địa phương. 

  Một dạng ĐMTMN khác ở Khánh Hòa (Ảnh minh họa)

Tại Khánh Hòa ngày 01/10/2021, Bí thư Tỉnh ủy đã có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh làm việc với Công ty cổ phần Điện lực (EVNPC) xem xét lại về việc cắt giảm mua ĐMTMN nhằm đảm bảo quyền lợi của các NĐT và đúng quy định của pháp luật. Chấp hành ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, sau khi làm việc với Sở Công Thương, tham khảo ý kiến của nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư ĐMTMN, các quy định của pháp luật; ngày 19/10/2021 ông Lê Hữu Hoàng, Ủy viên ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa ký ban hành Công văn số 1061/UBND-KT V/v xử lý tình hình phát triển, quản lý ĐMTMN trên địa bàn tỉnh gửi Bộ Công Thương, các sở ban ngành, địa phương, Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa. Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị: 1- Đề nghị Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa thực hiện đúng quy định của pháp luật về đầu tư ĐMT. 2-Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa có trách nghiệm xem xét giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp theo đúng các điều khoản đã ký kết về việc mua bán điện quy định tại Thông tư số 18/2020 ngày 17/7/2020 của Bộ Công Thương. 3- Đề nghị các sở, ngành, UBND các địa phương phối hợp với Sở Công Thương, Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa thực hiện. 4-Giao cho Sở Công Thương theo dõi, kiểm tra, giám sát phát triển ĐMTMN trên địa bàn tịnh đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Được biết Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa đã hủy văn bản tiết giảm mua ĐMTMN của các doanh nghiệp, trở lại mua bán bình thường như Hợp đồng đã ký kết. Như vậy, sau một thời gian phản ánh có tình, có lý và sự chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa, các doanh nghiệp, NĐT ĐMTMN ở Khánh Hòa đã yên tâm đi vào sản xuất. 

Nguyễn Xuân