Bảy bị cáo trong vụ án này đều bị Viện Kiểm sát nhân Tối cao truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Số tiền chiếm đoạt của hơn 68.000 bị hại lên tới hơn 1.121 tỷ đồng.
Bảy bị cáo gồm: Lê Xuân Giang (Chủ tịch HĐQT); Lê Văn Tú (Tổng Giám đốc); Nguyễn Thị Thủy (Phó Tổng Giám đốc) cùng 4 nhân viên phát triển thị trường là Trịnh Xuân Sáng, Vũ Thị Hồng Dung, Nguyễn Xuân Trường và Lê Thanh Sơn.
Theo cáo trạng, Lê Xuân Giang thành lập và điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn thiết bị y tế BQP (Cty BQP) và Cty Liên Kết Việt. Trong đó, Cty Liên Kết Việt được cấp phép kinh doanh bán hàng đa cấp với hàng hóa do Cty BQP sản xuất.
Qua hơn 1 năm từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015, các bị cáo này đã sử dụng thủ đoạn gian dối, tạo dựng và cung cấp thông tin sai lệch để tạo lòng tin về hoạt động kinh doanh của Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP.
Để tạo lòng tin, Giang còn đặt làm giả cả bằng khen của Thủ tướng tặng cho công ty và các lãnh đạo của công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện. Khi đã lấy được lòng tin của nhiều người, Giang cùng đồng phạm lôi kéo các bị hại bỏ tiền tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của Liên Kết Việt.
Tính đến tháng 11/2015, bằng những thủ đoạn gian dối kể trên, Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới phát triển được 34 chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý tại 27 tỉnh, thành, lôi kéo được hơn 68.000 người tại 49 tỉnh, thành phố tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp. Cũng theo cáo trạng, các bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.121 tỷ đồng và phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền này.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định được 6.053 bị hại có đầy đủ thông tin và địa chỉ. Những người này đã nộp hơn 580 tỉ đồng cho nhóm của Giang và nhận lại 193 tỉ đồng hoa hồng. Do đó, VKS cáo buộc Lê Xuân Giang và đồng phạm phải bồi thường hơn 390 tỉ đồng.
Hội đồng xét xử gồm 5 thành viên (2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân) do thẩm phán Trần Nam Hà làm Chủ tọa. Ngoài ra còn có tới 15 thẩm phán dự khuyết; 3 kiểm sát viên, 24 luật sư tham gia tố tụng; có 07 bị cáo bị đưa ra xét xử và 6.053 bị hại cùng nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…
Ngoài ra, có đến 15 thẩm phán dự khuyết, 24 luật sư tham gia bào chữa hoặc bảo vệ các bị cáo, đương sự. Riêng bị cáo Lê Xuân Giang có 5 luật sư bào chữa.
Đáng chú ý, để phục vụ cho công tác xét xử, TAND TP. Hà Nội đã triệu tập 6.053 bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tới phiên xử. Do số lượng người tham dự phiên tòa đông kỷ lục nên TAND TP. Hà Nội đã phải “sử dụng chi viện” về phòng xét xử của Tòa Cấp cao tại Hà Nội và lắp thêm máy chiếu, 3 màn hình LED, kê thêm 500 chiếc ghế phía ngoài hành lang để phục vụ công tác xét xử.
Ghi nhận sáng 21/12 cho thấy, lúc 7h sáng đã có khoảng 500 bị hại đến tham dự phiên xét xử. HĐXX phải bố trí 04 bàn làm việc để kiểm tra giấy tờ của người được triệu tập. An ninh trong và ngoài phiên tòa được lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ, các bị hại trước khi vào phòng xử đều được kiểm tra thân nhiệt và an ninh.
Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 10 ngày kể cả thứ Bảy và Chủ nhật.
Phương Ngân