Jack Ma và Joe Tsai – hai đồng sáng lập Alibaba đã trở thành hai cổ đông lớn nhất của “gã khổng lồ” thương mại điện tử sau khi chi hàng chục triệu USD mua cổ phiếu trên hai sàn New York và Hồng Kông.
Jack Ma, người nghỉ chức Chủ tịch điều hành Alibaba năm 2019, đã mua khoảng 50 triệu USD cổ phiếu Alibaba trong quý IV/2023, nâng cổ phần lên quá 4,3% (mức ghi nhận cuối năm 2021) để trở thành cổ đông lớn nhất, theo nguồn tin của SCMP.
Trong khi đó, Joe Tsai - người tiếp quản vị trí Chủ tịch Alibaba từ Daniel Zhang tháng 9/2023 cũng chi 151,7 triệu USD mua 1.957 triệu cổ phiếu công ty trong quý cuối năm ngoái thông qua công ty đầu tư Blue Pool Management và trở thành cổ đông lớn thứ hai, sau Jack Ma. Năm 2023, ông sở hữu 1,4% cổ phần Alibaba.
Cổ phần gộp của ông Ma và ông Tsai đã vượt qua SoftBank Group. Tập đoàn đầu tư của Nhật Bản do Masayoshi Son dẫn đầu chỉ còn nắm dưới 0,5% cổ phần Alibaba vào tháng 5/2023, theo tính toán của Ngân hàng Morgan Stanley.
Mặc dù số lượng mua vào không nhiều so với tổng mức vốn hóa 171 tỷ USD của Alibaba nhưng theo tờ New York Times (NYT), việc Jack Ma và Joe Tsai xuất hiện trong danh sách người gom cổ phiếu đã tạo nên lực đẩy trên thị trường. Hiện tổng mức vốn hóa của Alibaba sau phiên 23/1/2024 đã tăng lên 174 tỷ USD.
Tuy nhiên, nguồn tin của NYT cũng khiến nhiều người bất ngờ bởi Jack Ma được cho là đang rút dần khỏi Alibaba kể từ khi tập đoàn này chịu sự thanh tra của chính phủ vào năm 2020 sau những phát ngôn "vạ miệng" chỉ trích cơ quan chức năng của nhà sáng lập này.
Chính quyền Bắc Kinh khi đó đã dừng kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group, đồng thời thực hiện các cuộc thanh tra nhằm vào Alibaba với các án phạt lên đến 2,8 tỷ USD, qua đó buộc Jack Ma phải lui về ở ẩn suốt thời gian qua
Động thái này của Trung Quốc ngay lập tức đã khiến tổng vốn hóa toàn ngành công nghệ bốc hơi 1,1 nghìn tỷ USD.
Alibaba từ biểu tượng cho tăng trưởng đã trở thành đại diện cho kinh tế suy thoái và rủi ro pháp lý không thể đoán trước. Trong năm vừa qua, Alibaba đã mất hơn 40% tổng mức vốn hóa của mình. Hãng đã bị PDD Holdings – đối thủ “sinh sau đẻ muộn” soán ngôi hãng công nghệ Trung Quốc giá trị nhất niêm yết tại Mỹ, gây tâm lý chán chường cho nhân viên.
Jack Ma, người giữ khoảng cách với việc điều hành hàng ngày tại Alibaba, vẫn duy trì lối sống kín đáo, lánh mặt dư luận. Ngược lại, ông Tsai đã quay lại và tiến hành tái cơ cấu sâu rộng trong tập đoàn, đặt cược vào trí tuệ nhân tạo và cải thiện dịch vụ để tái tạo tăng trưởng.
Thu Hà (t/h)