HSBC: Lạm phát của Việt Nam duy trì ở mức thấp trong khu vực ASEAN

23:45 13/05/2022

Theo báo cáo của Ngân hàng HSBC Việt Nam, trong tháng 4, áp lực lạm phát của Việt Nam duy trì ở mức thấp trong khu vực ASEAN.

Báo cáo “Vietnam at a glance” tháng Năm với tựa đề “Lấy lại hào quang chiến thắng,” được Ngân hàng HSBC Việt Nam công bố ngày 13/5 đã đưa ra nhận định, Việt Nam đang tiếp tục hưởng lợi nhờ chiến lược mở cửa diện rộng.

Tháng 4 chứng kiến lượng lớn khách du lịch trở lại Việt Nam trong khi tiêu dùng của hộ gia đình tiếp tục phục hồi. Mặc dù giá dầu vẫn tăng, lạm phát tháng 4 ở mức 2,6% vẫn tương đối thấp. HSBC dự báo lạm phát Việt Nam sẽ tăng lên 3.7% trong năm 2022, vẫn trong ngưỡng lạm phát trần 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo báo cáo của Ngân hàng HSBC Việt Nam, trong tháng 4, áp lực lạm phát của Việt Nam duy trì ở mức thấp trong khu vực ASEAN.
Theo báo cáo của Ngân hàng HSBC Việt Nam, trong tháng 4, áp lực lạm phát của Việt Nam duy trì ở mức thấp trong khu vực ASEAN.

Theo báo cáo của HSBC, trong tháng 4, áp lực lạm phát của Việt Nam duy trì ở mức thấp trong khu vực ASEAN. Lạm phát toàn phần chỉ tăng 0,2% so với tháng trước, kéo theo mức tăng so với cùng kỳ năm trước cũng khiêm tốn là 2.6%, vẫn nằm trong mức kỳ vọng của thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ chi phí vận tải thấp, một phần do giá dầu thế giới giảm trong tháng 4, một phần do Việt Nam hạ thuế bảo vệ môi trường.

Từ 01/04, mức thuế bảo vệ môi trường, chiếm phần lớn nhất trong các loại thuế và phí đối với nhiên liệu, đã cắt còn 2.000 đồng với xăng và 700-1.000 đồng với các mặt hàng nhiên liệu khác. Trong khi đó, chi phí thực phẩm cũng giảm 0,1% so với tháng trước, cho thấy giá nông sản nội địa ổn định so với các nước khác trong khu vực, đang đối mặt tình trạng giá thực phẩm cao hơn.

Quả thật, các mặt hàng cốt lõi là nguyên nhân chính. Giá đã tăng trên diện rộng ở một số hạng mục chính như giáo dục, dịch vụ và bán lẻ. Cụ thể, chi phí “nhà ở và vật liệu xây dựng” tăng 0,6% so với tháng trước, cho thấy chi phí tiện ích và thuê cao hơn khi công nhân ở tỉnh tiếp tục trở lại các thành phố. Nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi và giá hàng hóa thế giới có xu hướng tiếp tục tăng.

Kể từ khi chính thức mở cửa biên giới từ 15/03, Việt Nam đã sớm hưởng lợi nhờ du lịch trở lại. Việt Nam đón hơn 100.000 khách du lịch trong tháng 4, cao gấp ba lần tháng 3.

Mặc dù vậy, chuyên gia HSBC lưu ý những cơn gió ngược chiều cản trở thương mại đang mạnh dần lên làm dấy lên nỗi băn khoăn về xuất khẩu của Việt Nam. "Một mặt, tiêu dùng thế giới đang dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Mặt khác, gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc khiến các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam gặp ngày càng nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai. Trong khi xuất khẩu của Việt Nam đang rất tốt, kết quả rực rỡ này lại nhắc chúng ta không quên nền sản xuất của Việt Nam có độ phụ thuộc rất cao vào nhập khẩu nguyên liệu," báo cáo của HSBC nhấn mạnh. 

PV