Hội thảo khoa học chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm y tế

10:00 07/05/2022

Ngày hai ngày 5-6/5, tại TP Hoà Bình, BHXH Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực BHYT. Tham dự có lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình, BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố: Hoà Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Hải Dương, Thái Nguyên.

Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn phát biểu tại hội nghị.

Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, BHXH Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo CĐS ngành BHXH Việt Nam. Ngành đề ra các chủ trương, mục tiêu, giải pháp trong CĐS như: Chuyển đổi nhận thức, phát triển hạ tầng số, cải tiến quy trình nghiệp vụ, cải cách nhằm thực hiện các hoạt động quản lý, điều hành trong nội bộ ngành và cung cấp các dịch vụ công về BHXH, BHYT, BHTN cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên hạ tầng số. Trong thời gian qua, CĐS trong lĩnh vực BHYT đã xây dựng, đưa vào vận hành thường xuyên hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối hơn 12 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) trên toàn quốc. Ngành đã xây dựng, đưa vào vận hành thường xuyên hệ thống cấp mã số BHXH và quản lý BHYT hộ gia đình cho 97 triệu nhân khẩu; xây dựng, đưa vào vận hành thường xuyên ứng dụng BHXH số (VssID) trên các thiết bị di động cầm tay. Hiện tại có khoảng 25 triệu người dân đã cài đặt và sử dụng VssID.

Tại hội thảo, đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề về thực trạng, giải pháp CĐS trong lĩnh vực y tế: Hệ thống thông tin giám định BHYT, ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng VssID, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia…

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh: Xác định tầm quan trọng của CĐS, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt chương trình CĐS, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch CĐS của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thời gian qua, CĐS trong lĩnh vực y tế đã mang lại những lợi ích kép: Vừa góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân vừa phòng, chống dịch Covid-19. UBND tỉnh chỉ đạo BHXH tỉnh phối hợp ngành y tế đưa hệ thống giám định điện tử đi vào hoạt động ổn định. 100% cơ sở KCB BHYT đã liên thông, gửi dữ liệu lên hệ thống giám định BHYT và thực hiện quyết toán trên phần mềm giám định BHYT. Năm 2016, tỉnh Hòa Bình đã tạo lập xong cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT với thông tin của hơn 800 nghìn người dân và trên 200 nghìn hộ gia đình. Đến ngày 31/3/2022, toàn tỉnh có trên 160 nghìn người đăng ký cài đặt VssID, đạt khoảng 20% tổng số người tham gia BHYT. Tính đến ngày 25/4/2022, tỉnh Hòa Bình có 175 nghìn căn cước công dân có gắn chíp điện tử, 61 cơ sở KCB BHYT có thể tiếp nhận người đi KCB bằng CCCD gắn chíp điện tử. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đã triển khai phần mềm quản lý KCB HIS do VNPT và Viettel cung cấp, bệnh án điện tử, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử… Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia BHYT, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên các thiết bị công nghệ thông tin, điện thoại thông minh có kết nối internet; sử dụng, cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID; phối hợp các sở, ngành trong việc kết nối, chia sẻ thông tin.

Đức Phượng - VPĐD Hòa Bình