Hội Dầu khí Việt Nam góp ý dự thảo Xây dựng Quy hoạch năng lượng quốc gia

09:53 01/12/2022

Hội Dầu khí Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương góp ý về Dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Dự thảo Quy hoạch).

Ảnh minh họa
VPA tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo

Tại văn bản trên, Hội Dầu khí Việt Nam đánh giá Dự thảo Quy hoạch đã được các đơn vị tư vấn nghiên cứu, biên soạn khá công phu với khối lượng khổng lồ để phác họa được bức trang tổng thể ngành Năng lượng Việt Nam phát triển trong giai đoạn quy hoạch, tuân thủ Luật Quy hoạch số 21/17/QH14. Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu có được bản Dự thảo Quy hoạch tốt hơn, đáp ứng đúng theo quy định và sự kỳ vọng từ các cấp quản lý và quan trọng nhất là đảm bảo tính khả thi, Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng vẫn còn một số vấn đề/nội dung cần xem xét, làm rõ.

Cụ thể, Dự thảo Quy hoạch cần tập trung đánh giá, nghiên cứu đề ra mục tiêu khả thi để thực hiện được, trong đó vấn đề tiến độ phải được đặt ra mang tính ràng buộc/“pháp lệnh”, tránh đi vào chi tiết từng phân ngành năng lượng vì đã hoặc sẽ được thể hiện trong các quy hoạch từng phân ngành năng lượng.

Quy hoạch này xây dựng cho thời kỳ 2021-2030 nên việc đánh giá hiện trạng cần phải đầy đủ các phân ngành năng lượng hiện có và với thời hạn tới hết 2030. Thực tế là các chỉ tiêu về phát triển các ngành năng lượng trong thời gian qua đều không đạt, nhưng nguyên nhân tại sao thì lại rất mờ nhạt.

“Phải ra cho được nguyên nhân chủ quan thì mới khắc phục được, nếu không tình trạng trên sẽ cũng tái lặp lại như vậy, nghĩa là đến 2030 hay 2045-2050 các mốc chỉ tiêu sẽ khó khả thi để đạt được”, Hội Dầu khí Việt Nam đưa quan điểm.

Dự thảo Quy hoạch, phần cơ cấu tổ chức ngành Năng lượng không nhắc tới phân ngành Năng lượng tái tạo và phần đánh giá hiện trạng cho từng phân ngành lại khác nhau về mốc thời gian. Do đó, rất cần thiết đánh giá sự tương hỗ của các phân ngành năng lượng trong tổng thể năng lượng quốc gia. Bản thân các phân ngành năng lượng có sự tương tác với nhau và sẽ trở thành chuỗi trong thể năng lượng quốc gia mới đảm bảo hiệu quả.

Dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đang được xây dựng để trình cho các cấp phê duyệt, vậy nên, Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng Dự thảo Quy hoạch rất cần có được quan điểm phát triển năng lượng đất nước. Cơ sở pháp lý của Dự thảo Quy hoạch cũng cần bổ sung các luật chuyên ngành và các nghị định, thông tư có liên quan.

Ngành Năng lượng dựa nhiều vào việc khai thác và sử dụng tài nguyên của đất nước sao có hiệu quả dựa trên tiềm năng. Tuy nhiên, Dự thảo Quy hoạch chưa được ra một cách hệ thống quy hoạch đánh giá tiềm năng tài nguyên năng lượng của đất nước (điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng năng lượng sơ cấp cảu đất nước với từng phân ngành để dựa trên đó mới có thể xây dựng quy hoạch khả thi được. Năng lượng tái tạo là phân ngành mới phát triển những năm gần đây nhưng còn mang tính tự phát và “cảm tính” khi chưa hề có một kết quả đánh giá toàn bộ/tổng thể nào về tiềm năng và dựa nhiều vào các kết quả điều tra, đánh giá của tổ chức nào đó, với mục đích riêng của tổ chức đó, không đảm bảo tính khách quan và có thể mất tính chủ động.

Từ phân tích đó, Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng cần đưa ra đánh giá cơ cấu theo các phân ngàng năng lượng (bao gồm từ tài nguyên trong nước và nhập khẩu) trong việc cung cấp năng lượng sơ cấp cho nền kinh tế đất nước để xác định vị trí của mỗi phân ngành.

Quy hoạch phải nêu ra 2 phần rõ ràng là đầu vào là nguồn năng lượng sơ cấp (tại chỗ và nhập khẩu), hệ thống hạ tầng cơ sở (xử lý vận chuyển, chế biến, cảng xuất/nhập khẩu, truyền tải…) để tạo ra các nguồn năng lượng thứ cấp/cuối cùng. Tuy nhiên, Dự thảo Quy hoạch lại tỏ ra mất cân đối về việc này.

Để góp phần giảm phát thải khí nhà kinh, trong Dự thảo Quy hoạch cần đưa ra những giải pháp mang tính đột phá về công nghệ để thu hồi và sử dụng CO2 từ phát thải của các nhà máy đốt nhiên liệu hóa thạch cũng như phần CO2 tách ra từ dòng khí khai thác từ các có chứa hàm lượng CO2 cao.

Thanh Hà