Nơi khám chữa bệnh thành ổ dịch
Bộ Y tế cách ly Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở Kim Chung từ 08h00 ngày 05/05/2021 đến 19/05/2021 (Ảnh Internet)
Cuối tháng 3/2020 cả Thủ đô Hà Nội ngỡ ngàng với thông tin tại Bệnh viện Bạch Mai đã phát sinh một ổ dịch Covid 19 lớn. Trong đó 19 ca bệnh dương tính đầu tiên gồm 2 điều dưỡng viên, 01 bệnh nhân khoa thần kinh, 01 người nhà chăm sóc bệnh nhân và 15 người là nhân viên Công ty Trường Sinh. Đây là lần đầu tiên có một ổ dịch Covid 19 phát sinh ngay trong một cơ sở y tế lớn, có số lượng người khám chữa bệnh hàng ngày lên đến hàng nghìn người. Khi ổ dịch phát sinh đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt thường xuyên của nhân dân thành phố Hà Nội. Các hoạt động tại khu vực Bệnh viện Bạch Mai thay đổi hoàn toàn. Sau đó, Bệnh viện Bạch Mai phải thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập” từ 0h00 ngày 28/3/2020 đến 0h00 ngày 12/4/2020. Hàng trăm nghìn người đã bị ảnh hưởng, điều tra, cách ly y tế từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai. Những bệnh nhân trong xóm chạy thận của bệnh viện cơ quan chức năng còn phải cử xe đưa đón hàng ngày từ nơi ở đến chỗ điều trị. Các cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện phải sống trong áp lực công việc, dịch bệnh.
Sau đó là, Bệnh viện Đà Nẵng, trụ cột của y tế Đà Nẵng, đã phải thực hiện cách ly y tế từ 13h ngày 26/7/2020 do ghi nhận có ca mắc Covid 19, chấm dứt 99 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Thời điểm cách ly, bệnh viện có hơn 2000 nhân viên y tế cùng gần 4000 bệnh nhân. Từ ngày 24/7/2020 đến 18h00 ngày 23/8/2020, toàn Thành phố Đà Nẵng ghi nhận thêm 379 người mắc Covid-19.
Nhằm kịp thời xử lý hiệu quả các tình huống bùng phát dịch bệnh Covid 19, sáng 07/5/2021, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã trực tiếp kiểm tra việc thực hiện phong toả tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều và cơ sở Tam Hiệp (huyện Thanh Trì). Cùng tham gia còn có Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, lãnh đạo một số sở, ngành và UBND huyện Thanh Trì. Ổ dịch phát sinh tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều là một ổ dịch lớn qua rà soát sơ bộ đã có hơn 5000 người gồm nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh liên quan. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, UBND TP Hà Nội thì ổ dịch tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều là rất phức tạp, ảnh hưởng trên diện rộng.
Tính đến sáng nay 8/5/2021, CDC Hà Nội thông báo ghi nhận thêm 11 bệnh nhân COVID-19 mới, trong đó có 4 nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 6 ca cộng đồng và 3 ca nhập cảnh đang ở khu cách ly tập trung nâng tổng số người mắc Covid 19 ở Việt Nam lên 3092 người. Bộ Y tế đã quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế phòng chống dịch Covid 19 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung từ 08h00 ngày 05/05/2021 đến 19/05/2021.
Đây là đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam. Đợt dịch này có số lượng người nhiễm gia tăng nhanh trên diện rộng. So với các lần bùng phát trước đây thì các lần bùng phát dịch sau bao giờ cũng có cấp độ cao hơn.
Các ổ dịch bùng phát tại các cơ sở y tế đều có quy mô tính chất rất phức tạp. Ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân. Khi xảy ra ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai cơ quan chức năng phải điều tra dịch tễ và xét nghiệm lên đến gần trăm nghìn người. Việc phong toả cũng làm tê liệt tạm thời cơ sở khám chữa bệnh này trong một thời gian. Nguyên nhân do đâu mà tần suất các ổ dịch Covid 19 bùng phát tại các cơ sở y tế ngày càng nhiều. Tại sao ở các nước Châu Âu hay tại các quốc gia có nền y tế phát triển không xảy ra ổ dịch phát sinh trong các cơ sở y tế. Chúng ta nên có nhìn nhận khách quan về quy trình khám chữa bệnh đảm bảo an toàn, việc đảm bảo vệ sinh tại các cơ sở y tế tại Việt Nam!?
Hơn 5.000 trường hợp liên quan đến ổ dịch ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.
Hồi chuông cảnh báo cho ngành y tế
Bệnh viện nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung) là cơ sở chữa bệnh nhân Covid 19 chủ yếu khu vực phía Bắc. Bây giờ nơi đây đã biến thành ổ dịch. Các hoạt động khám chữa bệnh tại đây tạm thời dừng lại. Một số lượng bệnh nhân Covid 19 đang điều trị tại đây phải điều chuyển đến bệnh viện khác. Một cơ sở vật chất lớn được chuẩn bị kỹ càng cho việc phòng chống, chữa trị Covid 19 ở miền Bắc Việt Nam bỗng chốc rơi vào tê liệt.
Trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư còn có Bác sĩ, nhân viên y tế bị nhiễm Covid 19 do đi hát karaoke, tham gia hoạt động xã hội... bên ngoài nên bị lây nhiễm. Điển hình như trường hợp một bác sĩ đang công tác tại một bệnh viện ở Trung ương có lịch sử đi hát karaoke tại Moonlight Club (địa chỉ ở 54 Chùa Láng, Quận Đống Đa, Hà Nội) hôm 28/4/2021 sau đó xét nghiệm dương tính với Covid 19. Trả lời trên báo Vietnamnet ngày 04/05/2021 ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương xác nhận một nam bác sĩ đang công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu dương tính với Covid 19. Vài tuần qua, bác sĩ này không tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 điều trị tại bệnh viện. Từ 22h ngày 28/4 đến 0h ngày 29/4, nam bác sĩ đi hát tại quán karaoke 54 Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội.
Điều đó, minh chứng cho công tác kiểm soát con người, nguồn lây nhiễm trong các cơ sở y tế còn rất giản đơn. Một nhân viên y tế khi bị nhiễm Covid 19 thì cơ sở y tế mà người đó đang công tác bị ảnh hưởng rất lớn. Tâm lý người bệnh đang điều trị tại đó thì ảnh hưởng, lo lắng. Cùng với đó là mối quan hệ dịch tễ của nhân viên y tế bị nhiễm Covid 19 rất phức tạp nên việc kiểm soát, xử lý rất khó khăn khi phát sinh. Thậm chí chỉ vì một nhân viên y tế nhiễm Covid 19 mà có thể cả cơ sở y tế bị cách ly, tạm dừng hoạt động.
Trong dịch bệnh Covid 19 thì các bệnh viện tuyến Trung ương là phòng tuyến vững chắc cuối cùng để bảo vệ sức khoẻ cho người dân. Nên khi xảy ra sự cố phát sinh ổ dịch tại đây nhiều lần. Đã minh chứng cho sự đang tồn tại một lỗ hổng trong phòng chống dịch bệnh tại Bệnh viện ở Việt Nam.
Hiện nay chúng ta đang thực hiện một số quy định tại các cơ sở y tế đang chữa trị bệnh nhân Covid 19 và tại các cơ sở khám chữa bệnh thông thường. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa hiệu quả nên vẫn phát sinh thường xuyên ổ dịch tại bệnh viện. Điều đó đòi hỏi một quy chuẩn khắt khe, khoa học đảm bảo ngăn chặn triệt để sự lây nhiễm dịch bệnh vào cơ sở y tế. Như thực hiện phân luồng khám chữa bệnh để khi phát sinh dịch bệnh có thể truy nguồn, hay phát hiện dễ dàng, nhanh chóng. Nhanh chóng triển khai triệt để việc khai báo dịch tễ đối với nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân theo ca, theo chu kỳ. Hạn chế tối đa số người không cần thiết đến, tập trung tại bệnh viện. Như hạn chế người cò mồi, người bán hàng rong, một người đi khám bệnh ba bốn người đi theo… Mọi người khi đến cơ sở y tế phải ý thức việc phòng dịch là cho mình, cho người thân của mình, cho cơ sở y tế đó và cho cả cộng đồng.
Phong tỏa ngách 87 ngõ 409 phố Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. ( Ảnh Mai Lan- Báo Nhân dân)
Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế. Chỉ với nguyên tắc năm K mà Việt Nam đã làm nên kỳ tích trong phòng chống dịch bệnh Covid 19 so với các quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã giữ gìn đảm bảo sức khoẻ cho người dân song song với duy trì phát triển kinh tế ổn định. Tính đến thời điểm này là hơn một năm kể từ khi phát sinh dịch bệnh.
Kịch bản dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Các cơ sở y tế đều quá tải. Khi đó, nếu tiếp tục phát sinh những ổ dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh. Chúng ta sẽ giải quyết tình huống này ra sao. Liệu nền y tế Việt Nam có thất thủ trước sức ép của dịch bệnh Covid 19 hay không?
Hơn lúc nào hết lãnh đạo, nhân viên ngành y tế phải nghiêm túc nhìn nhận về các ổ dịch liên tiếp phát sinh tại các bệnh viện lớn của Việt Nam. Các quốc gia trên thế giới đã chứng minh trước khi khống chế hiệu quả được dịch bệnh. Dịch bệnh Covid 19 sẽ diễn biến phức tạp hơn. Tính mạng sức khoẻ của người dân sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Để phòng chống, chữa trị dịch bệnh Covid 19 hiệu quả, ngành y tế Việt Nam cần có sự điều chỉnh kịp thời trước khi quá muộn!
Quang Phúc