Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đưa ra kết luận cuối cùng về vụ điều tra chống bán phá giá đối với túi giấy nhập khẩu từ 9 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vụ việc bắt đầu từ yêu cầu của nguyên đơn là Liên minh vì Thương mại Công bằng đối với Túi mua hàng (Hoa Kỳ) vào ngày 21/6/2023. Các sản phẩm bị điều tra bao gồm túi giấy có mã HS 4819.30.0040 và 4819.40.0040, nhập khẩu từ Campuchia, Trung Quốc, Colombia, Ấn Độ, Malaysia, Bồ Đào Nha, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ còn bị điều tra chống trợ cấp.
Thời kỳ điều tra chống bán phá giá (POI) đối với Việt Nam là từ 1/10/2022 đến 31/3/2023. Theo thông báo khởi xướng của DOC, biên độ phá giá mà nguyên đơn cáo buộc đối với Việt Nam ban đầu là từ 27,64% đến 92,34%, giảm so với cáo buộc ban đầu từ 63,67% đến 128,81%.
Ngày 03/01/2024, DOC đã công bố kết luận sơ bộ, xác định biên độ phá giá cho doanh nghiệp bị đơn bắt buộc duy nhất tham gia vụ việc là 51,25%. Ba doanh nghiệp đáp ứng điều kiện hưởng thuế suất riêng rẽ cũng chịu mức này, trong khi các doanh nghiệp khác chịu mức toàn quốc là 92,24%.
Ngày 21/5/2023, DOC đã ban hành kết luận cuối cùng, điều chỉnh giảm biên độ phá giá cho các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam. Biên độ phá giá cho bị đơn bắt buộc duy nhất được giảm xuống còn 36,51% do DOC rà soát lại một số giá trị thay thế và chỉnh sửa một số lỗi tính toán. Ba doanh nghiệp đáp ứng điều kiện hưởng thuế suất riêng rẽ cũng chịu mức này, trong khi các doanh nghiệp khác vẫn chịu mức toàn quốc là 92,34%.
Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) dự kiến sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về thiệt hại vào ngày 1/7/2024. Nếu ITC kết luận không có thiệt hại, vụ việc sẽ chấm dứt, tuy nhiên khả năng này là thấp. Nếu ITC kết luận có thiệt hại, DOC sẽ ban hành lệnh áp thuế.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tiếp theo của vụ việc (tại Cổng thông tin điện tử về phòng vệ thương mại của DOC - ACCESS: https://access.trade.gov/login.aspx). Đồng thời, chủ động tìm hiểu quy định, trình tự, thủ tục rà soát hành chính, rà soát nhà xuất khẩu mới của Hoa Kỳ để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo; đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp, cập nhật thông tin cho Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
P.V (t/h)