Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có thông báo gia hạn thời gian điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với sản phẩm gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Thời hạn ban hành kết luận cuối cùng dự kiến vào ngày 26 tháng 5 năm 2023.
Gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam. Thời hạn ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc dự kiến vào ngày 17 tháng 8 năm 2023.
Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương khuyến nghị, để đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng liên quan tiếp tục cập nhật diễn biến vụ việc; thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, số liệu cập nhật đến tháng 5/2023, Việt Nam đã phải đối mặt với 228 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu. Riêng 6 năm gần đây nhất (tính từ năm 2017 đến nay), Việt Nam phải đối diện với 116 vụ việc.
Phân theo quốc gia, hiện Mỹ đang đứng đầu với 53 vụ kiện; tiếp theo là Ấn Độ với 30 vụ; Thổ Nhĩ Kỳ 25 vụ; Canada 18 vụ; Australia 18 vụ; EU 14 vụ; Philippines 13 vụ.
Phân theo loại hình thì điều tra chống bán phá giá đứng vị trí số 1 với 126 vụ việc; đứng thứ 2 là điều tra tự vệ với con số 46; điều tra về chống lẩn tránh 33 vụ; điều tra chống trợ cấp 23 vụ.
Bà Nguyễn Trang Nhung, Phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài (Cục Phòng vệ thương mại) cho biết, sự xuất hiện của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) dẫn đến các nước tăng cường bảo hộ thương mại. Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, xung đột thương mại dẫn đến sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm nảy sinh các vấn đề liên quan đến lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, chuyền tải bất hợp pháp.
Do đó, bà Nhung khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần trang bị những kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại. Thường xuyên theo dõi, trao đổi thông tin với hiệp hội, nhà xuất khẩu và cơ quan quản lý nhà nước; có dự trù việc thuê luật sư khi cần thiết; xem xét tham gia vụ việc một cách tích cực, đầy đủ; xây dựng hệ thống quản trị, kế toán đầy đủ và rõ ràng.
Các Hiệp hội cũng cần phát huy hơn nữa vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp trong ngành, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý; đại diện bảo vệ lợi ích chung của ngành.
P.V (t/h)