Vĩnh Phúc bứt phá chuyển đổi số, doanh nghiệp tăng tốc sản xuất UEB mở khóa chuyển đổi số cho doanh nghiệp tư nhân hướng tới tăng trưởng hai con số |
Giải pháp thiết yếu trong kỷ nguyên mới
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay, chương trình sẽ không chỉ giúp tiểu thương tại các chợ truyền thống tiếp cận công nghệ mà còn cung cấp cho họ những công cụ thiết yếu để quản lý và phát triển kinh doanh. Hoạt động trong khuôn khổ chương trình sẽ bao gồm các khóa đào tạo về kỹ năng số, phiên chợ chuyển đổi số tại các tỉnh/thành phố và kêu gọi chung tay tạo dựng cộng đồng “Tiểu thương chuyển đổi số” để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và mô hình kinh doanh thành công.
Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ cung cấp các mô hình giải pháp như livestream bán hàng, sử dụng phần mềm quản lý bán hàng, cùng những hình thức thanh toán không tiền mặt và quảng bá sản phẩm qua nền tảng thương mại điện tử thông qua cuốn sổ tay hướng dẫn chuyển đổi số cho tiểu thương.
![]() |
Chuyển đổi số và thương mại điện tử giúp các tiểu thương mở rộng kênh bán hàng |
Những thay đổi này không chỉ giúp các tiểu thương cải thiện quy trình bán hàng mà còn giúp họ nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó gia tăng lợi nhuận và khẳng định vị thế trong nền kinh tế số.
Chợ truyền thống là một phần quan trọng trong đời sống người dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, các tiểu thương đang phải đối mặt với không ít thách thức. Sự chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến đã gây khó khăn cho việc duy trì doanh thu và khả năng cạnh tranh. Chính vì vậy, chuyển đổi số chợ truyền thống là giải pháp thiết yếu, giúp tiểu thương hội nhập và phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Thu hẹp khoảng cách
Hiện cả nước có hơn 8.500 chợ truyền thống, với hàng triệu tiểu thương đang hoạt động. Song thời gian gần đây, sức mua tại nhiều chợ sụt giảm nghiêm trọng, một phần do xu hướng người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến và chuỗi siêu thị hiện đại. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương vẫn còn lúng túng với công nghệ. Chị Nguyễn Thị Hà, tiểu thương tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Hà Nội) chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi sợ không biết dùng điện thoại thông minh, càng không hiểu gì về mạng xã hội, nhưng giờ đã biết quay video, đăng sản phẩm lên zalo, Facebook. Nhờ vậy, khách quen vẫn đặt hàng đều đặn, không cần ra chợ nhưng mình vẫn bán được hàng”.
Sự thay đổi đó có phần lớn công sức từ các chương trình hỗ trợ của cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp công nghệ. Nhiều địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng số cho tiểu thương, hướng dẫn cách tạo gian hàng trên sàn thương mại điện tử; cung cấp mã QR để thanh toán không tiền mặt.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh, chuyển đổi số cho tiểu thương là một trong những giải pháp được định hướng tại Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2025-2030 của Chính phủ. Mục tiêu chính của chiến lược là thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực, đặc biệt giúp tiểu thương tại các chợ truyền thống có cơ hội tiếp cận công nghệ số và tham gia vào hệ sinh thái thương mại điện tử.
Theo Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 cũng nhấn mạnh việc triển khai các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm tiểu thương và hộ kinh doanh cá thể.
Việc ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử không chỉ giúp các tiểu thương mở rộng kênh bán hàng, tiếp cận thị trường rộng lớn hơn mà còn giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả công việc, và cải thiện sự hài lòng của khách hàng.
Thông qua các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội, tiểu thương có thể tiếp cận khách hàng không chỉ trong nước mà còn ra quốc tế, từ đó nâng cao doanh thu và lợi nhuận. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ giúp cho việc quản lý kho hàng, đơn hàng và tài chính hiệu quả hơn, giảm thiểu sai sót, tiết kiệm thời gian.
Chuyển đổi số còn giúp tiểu thương nắm bắt nhanh chóng các xu hướng tiêu dùng, từ đó đưa ra quyết định kinh doanh hợp lý. Quan trọng hơn, nó tạo ra cơ hội kinh doanh bình đẳng cho các tiểu thương, dù ở vùng sâu vùng xa hay các thành phố lớn, góp phần xóa khoảng cách địa lý trong việc tham gia vào nền kinh tế số.
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng hành trình chuyển đổi số ở chợ truyền thống không đơn giản. Nhiều tiểu thương vẫn ngại thay đổi vì tâm lý e ngại công nghệ, sợ lộ thông tin thu nhập khi giao dịch qua ngân hàng.
Với nhiều kỹ năng được trang bị, Ban tổ chức cho biết, chương trình được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội mới cho bà con nâng cao năng lực kinh doanh hòa nhịp cùng “dòng chảy” chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử của đất nước.