Theo báo cáo "Chỉ số Hệ sinh thái Khởi nghiệp Toàn cầu năm 2024" của StartupBlink, Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng tích cực trong lĩnh vực khởi nghiệp, vươn lên hai bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu, từ vị trí thứ 58 lên thứ 56. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam duy trì vị trí thứ 5, đồng thời đứng thứ 12 trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và xếp thứ 31 toàn cầu về số lượng startup. Những kết quả này phản ánh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt là thông qua việc thành lập Trung tâm Đổi mới Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trung tâm này không chỉ là một mô hình thúc đẩy tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ mà còn là biểu tượng cho sự cam kết của Việt Nam trong việc hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ngoài ra, để đạt được những thành tựu trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Chính phủ cũng đã nỗ lực triển khai hàng loạt chương trình nhằm hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm chương trình SpeedUP hỗ trợ vốn cho các startup tại Việt Nam, nền tảng trực tuyến Startupcity.vn, Chương trình Đối tác Đổi mới Việt Nam - Phần Lan, Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (NATIF).
Không chỉ có sự hỗ trợ từ trong nước, các tổ chức quốc tế như USAID và CARE cũng đóng góp đáng kể vào sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật.
Trao đổi với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, TS Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đánh giá, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2024 vẫn trong lộ trình phát triển khởi sắc. Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã có rất nhiều sự kiện liên quan đến đổi mới sáng tạo , điển hình như TechFest 2024, Techconnect and Innovation Viet Nam,… Đi kèm với đó, là các chương trình tạo nguồn vốn vẫn đang tiếp tục được triển khai.
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2024 được đánh giá là đạt được nhiều thành công, với sự phát triển ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, các lĩnh vực trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang thu hút vốn nhiều từ nhà đầu tư bao gồm thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ thực phẩm, giải pháp doanh nghiệp và dịch vụ công nghệ thông tin. Với các kỳ lân như MoMo và Sky Mavis, Việt Nam đang nổi lên như một cường quốc khởi nghiệp tại Đông Nam Á.
Đây là những dẫn chứng cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều tiến triển về tạo môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Song, tuy đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, các chuyên gia đánh giá, do xuất phát điểm chậm hơn nên hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách so với một số nước trong khu vực và trên thế giới, chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực của Việt Nam. Cùng với đó là còn rất nhiều thách thức trong hệ sinh thái khởi nghiệp đang làm cản trở sự gia nhập của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và làm suy giảm tiềm năng tăng trưởng cao của các doanh nghiệp đó.
Nhìn nhận về thực tế này, TS Chử Đức Hoàng chia sẻ: “Ở Việt Nam, không những đặc thù là các startup đi sau so với các nước trong khu vực mà còn hạn chế về năng lực. Chúng ta hạn chế về tổng nguồn lực đầu tư cho khởi nghiệp, chúng ta hạn chế về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp thành công (thường được gọi là kỳ lân), hay thậm chí là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư mạo hiểm cũng đang vướng gây hạn chế nhất định cho quá trình phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.
Ngoài ra, sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam còn gặp khó khăn bởi sự chậm trễ của chính sách so với tốc độ phát triển của thị trường. Dù đã có những văn bản pháp lý như Nghị định 38 và Nghị định 39 hỗ trợ khởi nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn đang thiếu vốn, thiếu cơ chế hỗ trợ và thiếu các chuỗi sản xuất".
Để vượt qua những thách thức này và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, TS Chử Đức Hoàng cho rằng cần sự kết hợp giữa các yếu tố bao gồm:
Thứ nhất, cần có sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp tiên phong, những người có khả năng tạo ra môi trường phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua việc đưa ra các bài toán thực tiễn để giải quyết.
Thứ hai, về chính sách hỗ trợ cần có sự đồng bộ giữa Chính phủ với các Bộ ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ,…cùng tạo ra hệ thống hồ sơ đầy đủ cũng như cơ chế chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Đi kèm với đó là các Hiệp hội, như Hiệp hội Internet Việt Nam, Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam hay một số các hội ngành nghề phải tạo điều kiện cũng cần tham gia tích cực vào việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.
Cuối cùng, các trường đại học lớn tại Việt Nam cần đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua việc tạo ra các nhóm nghiên cứu và các sáng kiến đổi mới sáng tạo. Sự kết hợp giữa các yếu tố này sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Nhìn về trung và dài hạn, TS Chử Đức Hoàng đề xuất rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp nên khai thác các lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và chế biến, và các lĩnh vực cụ thể đã được Chính phủ ưu tiên theo Nghị định 76. Ngoài ra, định kỳ hàng tháng, Chính phủ có chiến lược phát triển 6 tháng đầu năm, các startup cần theo dõi sát sao các nguồn này để định hướng cho hoạt động khởi nghiệp trong tương lai.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam năm 2024 đang trên đà phát triển, song hành cùng với những thách thức và cơ hội mới. Với sự nỗ lực không ngừng và sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo hàng đầu trong khu vực và trên toàn cầu.
Bảo Bảo