Biến đổi khí hậu – Thách thức và cơ hội thích ứng
Chị Nguyễn Thị Duy Hương, Trưởng phòng Chương trình của saigonchildren, chia sẻ: “Trong hơn 20 năm hỗ trợ các hoạt động giáo dục tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) qua các hoạt động như trao học bổng và xây trường, saigonchildren ngày càng nhận thấy rõ hơn những khó khăn mà biến đổi khí hậu mang lại cho người dân nơi đây. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như ngập mặn kéo dài và xâm nhập sâu vào đất liền đã ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp, khiến nhiều hộ gia đình gặp khó khăn. Tác động của biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế mà còn ảnh hưởng đời sống xã hội của người dân. Đây là điều khiến chúng tôi trăn trở và ấp ủ ý tưởng thực hiện dự án này. Tôi mong rằng, thông qua dự án, chúng tôi có thể giúp các hộ gia đình ổn định sinh kế một cách bền vững nhờ các mô hình mới thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần xóa bỏ rào cản kinh tế trên con đường đến trường của trẻ em nơi đây".
Người dân được hướng dẫn hỗ trợ vay vốn từ chương trình. |
Theo Viện Nhiệt đới Môi trường (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự), tình hình xâm nhập mặn tại một số tỉnh ven biển ĐBSCL trong những năm gần đây ngày càng trở nên khắc nghiệt, phức tạp và khó dự đoán. Đặc biệt, hiện tượng này không còn tuân theo các quy luật tự nhiên trước đây. Nước mặn xâm nhập vào các con sông chính và các kênh nhánh sớm hơn, và phạm vi bị nhiễm mặn đã mở rộng sâu hơn vào khu vực nội đồng.
Vấn đề này bắt đầu trở nên nghiêm trọng từ đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, đã làm cho 600.000 người dân ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt và khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn. Nghiên cứu từ Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy rằng, xâm nhập mặn ở ĐBSCL hiện nay bắt đầu sớm hơn từ 1 đến 1,5 tháng so với các năm trước và kéo dài hơn. Độ mặn ở đầu mùa khô còn cao hơn giữa mùa, điều này trái ngược hoàn toàn với những quy luật xâm nhập mặn trước đây.
Nếu tình hình tiếp tục như hiện tại, các chuyên gia cảnh báo rằng đến năm 2030, nước ta có thể thiệt hại mùa màng gần 3 tỷ USD hàng năm khi nước mặn tiếp tục tàn phá đất canh tác, và chịu thiệt hại ngành thủy sản lên đến 23 tỷ USD, khi các tác động của hạn hán và độ mặn ngày càng gia tăng.
Các mô hình sinh kế bền vững trong khuôn khổ dự án bao gồm mô hình tôm lúa, nuôi heo kết hợp lắp đặt biogas, nuôi gà, vịt trên đệm lót sinh học, và trồng rau trong nhà lưới. Đây đều là các mô hình đã thử nghiệm thành công, có chi phí thấp và có tính thích ứng cao với tình hình biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Tập huấn sinh kế cho hộ dân khó khăn và hỗ trợ học bổng cho trẻ em
Dự án "Tăng năng lực sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng" sẽ hỗ trợ tổng 150 hộ gia đình trong giai đoạn từ 2024 đến 2027, với kỳ vọng giúp 85% hộ hoàn vốn đúng hạn và tăng thu nhập. Bên cạnh việc cấp vốn, dự án còn tổ chức các buổi tập huấn cho các hộ dân về kỹ thuật canh tác và quản lý sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu. Các buổi tập huấn này không chỉ giúp các hộ dân tiếp cận với kỹ thuật mới mà còn tăng cường khả năng chống chịu trước những thách thức về khí hậu.
Bà con phấn khởi vui mừng được quỹ hõ trợ. |
Đặc biệt, dự án còn chú trọng đến việc hỗ trợ giáo dục cho con em các hộ gia đình. Trong khuôn khổ dự án, 600 suất học bổng sẽ được trao cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có thể tiếp tục đến trường, vượt qua những rào cản kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra. Đồng thời, các buổi tập huấn về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cũng sẽ được tổ chức cho các em học sinh, giúp nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cần thiết để các em có thể tham gia vào việc bảo vệ môi trường tại địa phương.