Bài VIII: Dự án Ha Noi Hilton West chậm tiến độ, hàng nghìn mét vuông hoang hóa Phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng “nóng” trở lại |
Trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa các cam kết tại các Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26, COP29), Hà Nội đang thể hiện rõ vai trò tiên phong bằng việc ban hành Văn bản số 1448/UBND-NNMT ngày 15/4/2025 nhằm cụ thể hóa các nội dung của Đề án quốc gia về biến đổi khí hậu.
Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu tất cả các sở, ngành, địa phương nghiên cứu và tích hợp các nội dung của đề án quốc gia, bao gồm: thành lập thị trường carbon, quản lý và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, kiểm soát khí nhà kính, vào quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong từng giai đoạn cụ thể.
![]() |
Hà Nội tăng tốc thực hiện cam kết khí hậu quốc tế. |
Không chỉ dừng lại ở quy hoạch, Hà Nội yêu cầu các sở ngành lồng ghép giải pháp làm mát bền vững, chống hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, cải thiện khả năng chống chịu với nắng nóng cực đoan vào các chương trình phát triển đô thị và ngành nghề trọng điểm.
Đặc biệt, các sở như Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường cần khẩn trương thực hiện nhiệm vụ kiểm kê khí nhà kính cho các cơ sở thuộc danh mục phát thải do Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg. Việc báo cáo phải được hoàn tất đúng tiến độ để tích hợp vào các báo cáo tổng thể quản lý ngành.
Hà Nội đang tích cực triển khai kế hoạch xây dựng hàng loạt quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn trên địa bàn. Trong đó, đáng chú ý là các chính sách khuyến khích xử lý và tái chế rác thải bằng công nghệ hiện đại, quy định giảm phát thải nhựa, phân loại rác tại nguồn, sản xuất phân compost từ rác hữu cơ, cũng như phát điện từ chôn lấp rác và sinh khối. Những giải pháp này vừa mang tính ứng dụng cao, vừa góp phần giải quyết triệt để bài toán ô nhiễm đô thị.
Song song với đó, Hà Nội cũng thúc đẩy mô hình xử lý chất thải theo hướng tuần hoàn – nơi rác thải không còn là gánh nặng môi trường mà trở thành nguồn tài nguyên tái tạo có giá trị. Việc nhân rộng mô hình này trên toàn thành phố được xem là bước đi chiến lược, tạo nền tảng vững chắc để Thủ đô chuyển mình thành đô thị xanh, sạch và phát triển bền vững trong tương lai.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong chỉ đạo lần này là yêu cầu phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái – hữu cơ – tuần hoàn, có phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao trọng trách xây dựng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, gắn với chế biến, bảo quản nông sản hiện đại và sử dụng công nghệ ít phát thải. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng sẽ theo hướng linh hoạt, bền vững và hiệu quả, đảm bảo thích ứng với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Với mục tiêu tăng cường khả năng hấp thụ carbon tự nhiên, Hà Nội cũng đặt mục tiêu bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái rừng và nguồn nước. Các chương trình trồng rừng, phục hồi rừng, phát triển rừng tự nhiên và bảo vệ đất lâm nghiệp sẽ được đẩy mạnh từ nay đến năm 2030. Năm hệ sinh thái quan trọng của Hà Nội cũng sẽ được quy hoạch bảo tồn, nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống và trữ lượng carbon tự nhiên.
Việc Hà Nội quyết liệt triển khai các nội dung của COP26 và COP29 không chỉ thể hiện trách nhiệm quốc tế mà còn là động lực mạnh mẽ để xây dựng Thủ đô xanh – hiện đại – bền vững. Đây là bước đi then chốt, giúp Hà Nội thích ứng với các thách thức khí hậu, đồng thời tạo đòn bẩy để phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường.