Theo dự thảo, người lao động thuộc nhóm hưởng lương theo chế độ do Nhà nước quy định sẽ đóng bảo hiểm thất nghiệp dựa trên tiền lương tháng gồm: Lương theo chức vụ, chức danh, ngạch bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, thâm niên nghề, cùng với hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).
Đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp, thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Mức lương theo công việc hoặc chức danh, cộng với phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định theo kỳ lương.
![]() |
Đề xuất mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất căn cứ vào lương tối thiểu vùng |
Trường hợp người lao động bị ngừng việc nhưng vẫn hưởng lương bằng hoặc cao hơn mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, thì mức đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ căn cứ theo mức lương thực nhận trong thời gian ngừng việc.
Một điểm nổi bật được đề xuất là áp dụng mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất bằng 20 lần mức lương tối thiểu vùng, thay vì có sự khác biệt giữa khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước như hiện hành. Mức lương tối thiểu vùng hiện nay đang được thực hiện theo Nghị định số 74/2024 của Chính phủ, cụ thể:
Vùng I: 4,96 triệu đồng/tháng
Vùng II: 4,41 triệu đồng/tháng
Vùng III: 3,86 triệu đồng/tháng
Vùng IV: 3,45 triệu đồng/tháng
Theo đó, mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ tương ứng từ khoảng 69 triệu đồng đến gần 100 triệu đồng/tháng, tùy từng vùng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải, hiện pháp luật vẫn đang có sự khác biệt giữa cách tính mức lương đóng và mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp của hai nhóm lao động. Với nhóm lao động hưởng lương do Nhà nước quy định, mức trần tiền lương làm căn cứ đóng là 20 lần mức lương cơ sở và mức hưởng tối đa là 5 lần mức lương cơ sở. Trong khi đó, nhóm lao động ngoài khu vực Nhà nước thì căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính công bằng và thống nhất theo bản chất ngắn hạn, chia sẻ rủi ro của BHTN, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất quy định một mức trần chung cho cả hai nhóm, đó là 20 lần mức lương tối thiểu vùng cho trần đóng, và 5 lần mức lương tối thiểu vùng cho trần hưởng trợ cấp.
Xử lý các trường hợp tạm dừng đóng bảo hiểm
Một điểm mới khác trong dự thảo Luật là quy định về việc tạm dừng đóng BHTN đối với người lao động bị tạm giam hoặc tạm đình chỉ công việc. Trong thời gian này, cả người lao động và người sử dụng lao động đều được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Trường hợp người lao động được truy lĩnh đủ tiền lương sau khi kết thúc thời gian bị tạm giữ, thì cả hai bên sẽ đóng bù phần bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với những tháng đã tạm dừng. Việc này sẽ được thực hiện đồng thời với việc truy đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Trước ý kiến lo ngại về sự không đồng nhất giữa quy định trần đóng bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội bắt buộc (BHXH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định rằng hai chính sách này có bản chất khác nhau và cần được xem xét độc lập. Bảo hiểm thất nghiệp là chính sách ngắn hạn, nhằm hỗ trợ người lao động khi bị mất việc tạm thời; trong khi BHXH là chính sách dài hạn, có tính chất tích lũy để đảm bảo an sinh lâu dài.
Do đó, việc quy định trần đóng bảo hiểm thất nghiệp là 20 lần mức lương tối thiểu vùng, trong khi trần đóng BHXH là 20 lần mức lương cơ sở là hoàn toàn phù hợp, không gây mâu thuẫn pháp lý hay ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Trên thực tế, quy định này đã và đang được áp dụng ổn định trong thời gian qua, và cũng không cản trở tiến trình chuyển đổi số trong quản lý bảo hiểm.
Hướng đến chính sách bảo hiểm thất nghiệp linh hoạt, hiệu quả
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, bảo hiểm thất nghiệp không nhằm mục đích duy trì mức sống lâu dài cho người lao động như BHXH, mà đóng vai trò như "tấm đệm" hỗ trợ ngắn hạn, giúp người lao động ổn định tạm thời về thu nhập và tái hòa nhập nhanh chóng vào thị trường lao động thông qua các dịch vụ như tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề.
Do đó, việc điều chỉnh trần đóng và trần hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng thống nhất, hợp lý, phù hợp với nguyên lý chia sẻ rủi ro và đặc điểm thị trường lao động hiện đại là bước đi cần thiết, tạo nền tảng cho một hệ thống bảo hiểm thất nghiệp linh hoạt, bền vững và thân thiện với người lao động lẫn doanh nghiệp.