![]() |
Chi hội Phụ nữ bản Huổi Én, xã Mường So (huyện Phong Thổ) tuyên truyền khởi nghiệp, phát triển kinh tế. |
Với mục tiêu đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp đi vào cuộc sống, Hội LHPN tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm. Các lớp tập huấn kiến thức khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh được tổ chức thường xuyên cho cán bộ hội các cấp, tạo thành lực lượng nòng cốt trong việc hỗ trợ hội viên.
Nhiều mô hình hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả, đặc biệt là các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, đã ra đời dưới sự hỗ trợ của Hội. Từ năm 2017 đến nay, Tỉnh hội đã tổ chức 13 diễn đàn, hội thảo, hội nghị tư vấn, hỗ trợ, kết nối chính sách, tạo điều kiện cho phụ nữ và thanh niên Lai Châu tiếp cận những cơ hội khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ.
Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đóng vai trò cầu nối, tư vấn và hỗ trợ các tổ hợp tác, tổ phụ nữ liên kết, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng. Tổng số tiền được vay vốn, hỗ trợ lên đến hàng trăm tỷ đồng trong giai đoạn 2017-2025.
Bên cạnh đó, đề án còn chú trọng đến việc nâng cao kỹ năng tay nghề cho phụ nữ. 11 lớp dạy nghề làm tóc miễn phí đã được tổ chức, trang bị cho 275 học viên đam mê với nghề. Sự hợp tác với các tổ chức như Dự án Plan và Care tại Việt Nam cũng mang lại những hỗ trợ thiết thực, từ việc giúp phụ nữ khởi nghiệp với quán chè, spa đến việc dạy nghề nấu ăn, vệ sinh môi trường và tiếng Anh cho phụ nữ làm du lịch cộng đồng.
Bà Lý Hồng Quyên - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết, tính đến năm 2024, tất cả các chỉ tiêu đề án đề ra đều thực hiện đạt và vượt. 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp đã nâng cao nhận thức và phương pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. 72,7% hội viên phụ nữ được tuyên truyền về việc làm, khởi nghiệp. Đặc biệt, đã có 806 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, vượt tới 806% chỉ tiêu. Chúng tôi cũng đã phối hợp, hỗ trợ thành lập 30 tổ hợp tác, HTX do phụ nữ quản lý, vượt 300% chỉ tiêu.
Đề án còn tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp nữ tham gia các hội chợ, hội thảo để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Các mô hình khởi nghiệp này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp hội viên, phụ nữ phát huy các ngành nghề thủ công truyền thống, các đặc sản địa phương, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Có thể thấy, Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" đã thực sự đi vào cuộc sống, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng và sức sáng tạo của phụ nữ Lai Châu. Đồng thời, giúp phụ nữ giải quyết khó khăn, phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và từng bước nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội.