Sau khi nhiều công ty đa cấp bất chính bị bóc mẽ thì lại mọc lên những biến tướng mới của đa cấp, với cách thức hoạt động tinh vi hơn trước. Để lấy lòng tin của những con mồi, một số công ty kinh doanh bất chính không ngần ngại giả mạo giấy tờ kinh doanh để lừa đảo. Không chỉ vỡ mộng làm giàu, nhiều người còn có nguy cơ mất trắng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Thời gian qua nhiều công ty bị khởi tố vì làm giả giấy tờ để kinh doanh đa cấp như các loại giấy chứng nhận những sản phẩm được sản xuất từ Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, hay những nơi có uy tín để lừa đảo người dân tham gia mua hàng.
Chiêu dụ người tham gia góp tiền vào hệ thống theo kiểu đầu tư tài chính để hưởng hoa hồng và hưởng thêm hoa hồng từ việc chiêu dụ người khác tham gia cũng là một hình thức bán hàng đa cấp biến tướng tinh vi nữa xuất hiện.
Với kiểu đa cấp phải mua hàng hóa thì nhiều người còn đắn đo với khoản tiền ban đầu bỏ ra mua những món hàng quá đắt đỏ, nếu không xây dựng được mạng lưới cấp dưới thì coi như mất tiền mua hàng.
Chính vì vậy, kiểu đầu tư tài chính đa cấp có đất “tung hoành” khi chiêu dụ người tham gia rằng bỏ tiền đầu tư sẽ có lợi nhuận, muốn rút khỏi hệ thống thì rút. Kiểu tham gia này khiến nhiều người chắc mẩm mình chỉ có lời chứ không mất đồng nào
Tuy nhiên, các mô hình tài chính này cũng sẽ thu phí khi nhà đầu tư muốn rút tiền ra. Nhiều người chỉ nhìn thấy mức sinh lợi hấp dẫn mà không nhìn thấy các khoản chênh lệch nộp vào - rút ra và phí quản lý đã khiến khoản tiền “đầu tư” mình nộp vào đã lỗ ngay tức khắc.
Với các khoản phí “chặt đầu chặt đuôi” khiến người tham gia không muốn rút vốn lại sớm mà phải đợi đến khi tiền lãi tích tụ cao hơn mức phí mới có thể rút.
Khoảng thời gian này đủ để doanh nghiệp chiêu dụ, mở rộng mạng lưới, ôm một khoản lớn tiền đầu tư rồi quét nhanh, rút gọn. Đến khi nhiều người tham gia muốn rút khoản đầu tư ra thì doanh nghiệp cũng biến mất.
Hà Thanh