Theo thống kê, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh năm 2024 ước đạt 57.106 tỷ đồng, tăng 10,84% so với năm trước. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 17.331 tỷ đồng, chiếm 30,35% tổng vốn, giảm 10,36% so với năm trước. Sự giảm này chủ yếu do tiến độ đầu tư của Dự án Nhiệt điện Vũng Áng II chậm lại, mặc dù Dự án Nhà máy Pin Lithium đã có sự gia tăng đáng kể trong vốn đầu tư.
Trong năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 21 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 17.500 tỷ đồng (tăng 1 dự án và gấp 5,3 lần vốn đăng ký so với năm 2023). Các dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư trên nhiều lĩnh vực, trong đó chủ yếu là phát triển công nghiệp phù hợp với định hướng, chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh và năng lực doanh nghiệp.
Diện mạo tỉnh Hà Tĩnh ngày càng đẹp và hiện đại. |
Đáng chú ý, các dự án công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường đã trở thành điểm nhấn trong bức tranh thu hút đầu tư của Hà Tĩnh. Tiêu biểu là Nhà máy liên doanh sản xuất Pin Lithium VinES - Gotion tại Khu kinh tế Vũng Áng do Công ty cổ phần giải pháp Năng lượng VinES (thành viên Tập đoàn Vingroup) và Công ty Gotion, Inc. (Thành viên Gotion High-Tech)đầu tư xây dựng, với tổng mức đầu tư khoảng 275 triệu USD, công suất thiết kế 5GWh/năm. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà (VSIP Hà Tĩnh) do Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) làm chủ đầu tư với quy mô gần 200 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 64,8 triệu USD cũng đã được khởi công, kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Trong số148 dự án đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng trong các lĩnh vực công nghiệp nặng, năng lượng, cảng biển và logistics, có 55 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 16 tỷ USD.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải trao đổi với các doanh nghiệp châu Âu trước giờ diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều châu Âu lần thứ 12 tại Thủ đô Budapest, Cộng hòa Hungary vào tháng 9/2023. Ảnh: Trọng Thái. |
Để thu hút vốn FDI một cách hiệu quả và bền vững, Hà Tĩnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư bằng cách cải cách thủ tục, nâng cấp hạ tầng, ưu đãi đầu tư, phát triển nhân lực và tăng cường xúc tiến đầu tư. Việc cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư, giảm thủ tục rườm rà; xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư; thành lập Tổ công tác hỗ trợ nhà đầu tư, kịp thời giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án tại địa phương. Mở rộng và nâng cấp Khu kinh tế Vũng Áng – trọng điểm thu hút FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp nặng và logistics. Đầu tư xây dựng các khu công nghiệp mới như Bắc Thạch Hà (VSIP) nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao. Nâng cấp cảng Vũng Áng - Sơn Dương, tăng khả năng trung chuyển hàng hóa; phát triển tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh. Tỉnh cũng đề ra các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất cho các dự án trọng điểm; hỗ trợ đào tạo lao động, giải phóng mặt bằng, giúp doanh nghiệp sớm triển khai dự án; khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, công nghệ cao. Tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh như tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...; hợp tác với các tổ chức quốc tế để tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng; ứng dụng công nghệ số, quảng bá môi trường đầu tư qua các nền tảng trực tuyến.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh- Võ Trọng Hải nhấn mạnh, Hà Tĩnh luôn coi trọng việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Trong chuyến công tác tại châu Âu từ ngày 27/9 đến 7/10/2023, ông đã gặp gỡ các doanh nghiệp Việt kiều châu Âu, giới thiệu tiềm năng và lợi thế của tỉnh, đồng thời kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực như công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và logistics.
Khu Kinh tế Vũng Áng thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. |
Công tác xúc tiến đầu tư hiệu quả, thu hút các dự án chất lượng vào địa bàn góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, tạo nguồn lực để Hà Tĩnh thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có GRDP cao nhất cả nước. Mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt trên 9%/năm; đến năm 2030 GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 32,6%; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD; mức thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng bình quân khoảng 14-15%/năm...
Năm 2025, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục triển khai các chủ trương và giải pháp nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng và công nghệ cao nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Lĩnh vực thu hút đầu tư được tỉnh quan tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và chế biến. Ưu tiên thu hút các dự án năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời nhằm đảm bảo phát triển bền vững.
Cùng với những dự án đã triển khai, một số dự án lớn đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh cũng đang có bước khởi động triển vọng như: KCN Gia Lách mở rộng, KCN phía Tây TP. Hà Tĩnh, KCN Bắc Hồng Lĩnh, Khu đô thị dịch vụ VSIP thị trấn Thạch Hà, Khu thương mại - dịch vụ - du lịch và thể thao phía Tây Nam huyện Thạch Hà, Nhà máy Thép không gỉ tại Khu kinh tế Vũng Áng, Cụm kho khí và Nhà máy Điện khí Vũng Áng… |