Tại Kỳ họp thứ 23 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII diễn ra từ ngày 11-13/12, các đại biểu đã đưa ra nhiều phương án thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn, tăng cường thu hút đầu tư, linh hoạt trong ban hành các chính sách để làm “đòn bẩy” cho các địa phương bứt tốc.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII. |
Theo báo cáo, năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội Hà Tĩnh đạt nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực và có tín hiệu đáng mừng. Tăng trưởng kinh tế đạt 7,48%, quy mô nền kinh tế đạt mức 113.000 tỷ đồng, tăng 10.000 tỷ đồng so với năm 2023. Nhiều dự án công nghiệp trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ. Thu ngân sách đảm bảo tiến độ, cả năm ước đạt 17.900 tỷ đồng, đạt 102% dự toán, tương đương năm trước. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng khá, ước đạt 55.524 tỷ đồng, đạt 116% kế hoạch, tăng 6% so với năm 2023 nhờ đóng góp của các dự án lớn khu vực kinh tế nhà nước. Giải ngân đầu tư công đến ngày 20/11/2024 đạt 5.819 tỷ đồng, bằng 108% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, 61,5% kế hoạch tỉnh giao.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, tăng trưởng kinh tế chưa đạt như kỳ vọng, các chương trình mục tiêu quốc gia và một số chính sách chưa đạt kế hoạch; giải phóng mặt bằng một số nơi còn nhiều vướng mắc; phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh chưa đồng đều giữa các địa phương; xây dựng đô thị văn minh còn khó khăn về nguồn lực; một số dự án, vụ việc tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm…
Chủ toạ kỳ họp |
Để tăng cường thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần đưa địa phương phát triển về mọi mặt, đại biểu Đặng Trần Phong - Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân cho rằng, tỉnh cần có cơ chế chính sách phù hợp như tập trung chỉ đạo giải quyết các tồn đọng, vướng mắc đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách có sử dụng đất, đôn đốc các nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn. “Tỉnh cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ huyện Nghi Xuân phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, lợi thế để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân”, ông Phong nói.
Đại biểu Đặng Văn Thành (tổ đại biểu huyện Kỳ Anh) cho rằng, chú trọng thu hút đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm sẽ tạo “đòn bẩy” để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025. Đặc biệt, chú trọng chuyển đổi số trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; ưu tiên thu hút đầu tư các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản lý và sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác kết nối doanh nghiệp công nghiệp trong và ngoài nước nhằm tạo chuỗi liên kết, nhất là nhóm ngành chế biến sâu sản phẩm thép, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô và chế biến nông lâm thủy hải sản.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thuỷ (Tổ đại biểu huyện Hương Sơn) cho rằng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định: “Phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu treo trở thành trung tâm Logistics trên giao điểm của trục đường Hồ Chí Minh và hành lang kinh tế Đông - Tây”. Do đó, tỉnh cần quan tâm phát triển Khu kinh tế với các giải pháp như: Thực hiện hiệu quả công tác quản lý, xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch chung Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đến năm 2045. Quan tâm, nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để huy động, thu hút nguồn lực đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng KKT cửa khẩu…
Thu hút đầu tư các dự án trọng điểm sẽ tạo “đòn bẩy” để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025. |
Thu hút đầu tư cũng là giải pháp được đại biểu Hoàng Quang Trung (Tổ đại biểu huyện Cẩm Xuyên) đề cập. Theo đại biểu, tỉnh cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ huyện phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, lợi thế để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm giải quyết việc làm cho người dân; cần có các chính sách nhằm tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ để phát triển khu du lịch biển Thiên Cầm trở thành khu du lịch trọng điểm; quan tâm, bố trí nguồn vốn đầu tư vào các vùng quy hoạch trọng điểm, nhất là hệ thống giao thông; bố trí nguồn vốn GPMB sạch trước khi thu hút đầu tư để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi vào đầu tư.
Ngoài thu hút đầu tư, việc ban hành các chính sách phù hợp để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, từ đó, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương cũng được các đại biểu đề xuất với HĐND, UBND tỉnh.
Tại phiên thảo luận, đại biểu cũng đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025 và cả nhiệm kỳ như: tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chú trọng thu hút đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; bổ sung nhiệm vụ, giải pháp về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế sau tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng; kịp thời chỉ đạo các đơn vị sau sáp nhập đơn vị hành chính đi vào hoạt động hiệu quả; xử lý dứt điểm cơ sở vật chất còn tồn đọng sau sắp xếp; bổ sung biên chế giáo viên…