Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, trong 3 tháng đầu năm, tỉnh này mới chỉ giải ngân vốn đầu tư công được hơn 570 tỷ đồng/6.107,46 tỷ đồng kế hoạch vốn đã được phân bổ (đạt tỷ lệ 9,3%).
Nguyên nhân việc giải ngân vốn đầu tư công trên toàn tỉnh Hà Tĩnh chậm là do nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến độ thi công các dự án. Trong đó có nhiều dự án phải xin gia hạn, kéo dài thời gian hoàn thành thi công. Đơn cử, dự án đường liên huyện Can Lộc - Lộc Hà (do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư) phải xin gia hạn, kéo dài thời gian hoàn thành thi công từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023. Dự án hạ tầng nuôi trồng thủy sản Mai Phụ - Hộ Độ (Lộc Hà) có tổng mức đầu tư hơn 61 tỷ đồng cũng phải kéo dài thời gian triển khai gây “ách tắc” không thể giải ngân nguồn vốn.
Ngoài vướng mắc trong GPMB đối với những dự án chuyển tiếp thì những tháng đầu năm, các dự án mới triển khai năm 2023 mất rất nhiều thời gian cho công tác hoàn thiện hồ sơ, quy trình thủ tục. Hiện nay, theo quy định, quy trình thủ tục hồ sơ để triển khai các dự án hết sức chặt chẽ; phải thông qua nhiều cơ quan chức năng; lấy ý kiến các sở, ngành nên chậm tiến độ triển khai.
Liênquan đến việc đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công, ngày 14/3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 235/QĐ-TTg thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Tâm Đan