Hà Nội tập trung xây dựng tuyến đường vành đai 4

18:25 20/04/2021

Chiều 20/4, UBND TP.Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của thành phố.

Chủ tịch Chu Ngọc Anh phát biểu
Chủ tịch Chu Ngọc Anh phát biểu.

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh khẳng định, đây là hội nghị đặc biệt quan trọng để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các chương trình công tác lớn của thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ: “Đây là cơ hội để các sở ngành, quận huyện tự “soi” và chính mình để có những góp ý xác đáng, tập hợp được trí tuệ tập thể. Các đồng gửi gắm gì vào dự thảo này để sau này chính các đồng chí sẽ là người thực hiện”.
Nêu việc dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của thành phố là cụ thể hóa 10 chương trình công tác lớn của thành phố, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu từng đơn vị khi góp ý phải đảm bảo cả 2 yêu cầu: đáp ứng đầy đủ tính bao quát nhưng cũng phải có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên trên từng lĩnh vực, đảm bảo tính khả thi.
Theo dự thảo, đến năm 2025, Thủ đô sẽ được xây dựng, phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; tạo bước chuyển căn bản sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.
Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 thành phố dự kiến đặt ra trong dự thảo là: tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025: 7,5-8,0%; Cơ cấu kinh tế: Dịch vụ 65,0-65,5%; Công nghiệp và xây dựng 22,5-23,0%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4-1,6%; đầu tư phát triển toàn xã hội: 3,1-3,2 triệu tỷ đồng; Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%; Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7,0- 7,5%...
Để đạt được các mục tiêu trên, thành phố đặt ra 3 khâu đột phá là: ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu... kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Nêu một số vấn đề quan trọng trong dự thảo kế hoạch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn nhắc nhở Sở KH&ĐT cập nhật một số dữ liệu mới trong dự thảo kế hoạch. Đối với nội dung đổi mới công tác quy hoạch, tăng cường quản lý quy hoạch, thành phố có 2 quy hoạch quan trọng là: quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; thứ hai là điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác định trong xây dựng phát triển Thủ đô của Luật Thủ đô. Trong thời kỳ 5 năm, 2 quy hoạch phải hoàn thành; phấn đấu cuối năm 2022, hoặc muộn nhất là đến đầu năm 2023 phải phê duyệt 2 quy hoạch này…
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn yêu cầu rà soát nội dung phát triển vành đai 4 liên vùng Thủ đô, đi qua Hà Nội – Hưng Yên – Bắc Ninh; củng cố đầu tư mạnh về đường sắt đô thị; tìm kiếm nguồn lực đầu tư của nước ngoài và hệ thống các vùng phát triển…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh, giai đoạn 2021-2025, thành phố tập trung phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh vẫn phải đối mặt với dịch bệnh có diễn biến khó lường. Các chỉ tiêu, mục tiêu tổng quát đã được Đại hội Đảng bộ thành phố chỉ rõ, các chỉ tiêu cụ thể cũng được nêu rõ trong 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy. Sở KH&ĐT cần rà soát cụ thể, rõ trách nhiệm phần việc của từng đơn vị bởi một số chỉ tiêu như thu nhập bình quân đầu người; thu gom xử lý 100% rác thải hàng ngày; xử lý nước thải; cấp nước sạch cho 100% đô thị nông thôn… là cao. Từ đó phải có những đề án, dự án cụ thể trong kế hoạch để thực hiện các mục tiêu đó…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cũng yêu cầu cần xác định việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 là quan trọng để kết nối với các tỉnh thành, hiệu quả kinh tế xã hội hiệu quả hơn việc đầu tư các tuyến đường trong nội thành rất tốn kém trong công tác giải phóng mặt bằng.
Nêu việc dự thảo có 303 nhiệm vụ giao các sở ngành, quận huyện, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các nhiệm vụ này phải rõ ràng hơn, tập trung vào thực hiện 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy.

Đường vành đai 4 có tổng chiều dài 98km đi qua 14 quận, huyện thuộc 3 tỉnh, thành phố. Điểm đầu tại km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối tuyến tại khoảng km35+300 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (xã Nam Sơn, Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Trong đó, tuyến đường đi qua địa phận Hà Nội dài 56,5km chạy qua 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Hà Đông).

PV