Lịch cúp điện Hà Nội ngày 23/4/2025 mới nhất hôm nay Giá bạc hôm nay 23/4/2025: Giá bạc trong nước và thế giới đảo chiều giảm nhẹ |
UBND TP Hà Nội vừa chính thức ban hành Quyết định số 2134/QĐ-UBND, phê duyệt thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Canh Nậu – Giai đoạn 2 tại huyện Thạch Thất. Với tổng vốn đầu tư hơn 502 tỷ đồng, dự án hứa hẹn sẽ là bước ngoặt quan trọng trong việc phát triển công nghiệp xanh, sạch và bền vững của thành phố.
Dự án được thiết kế theo định hướng công nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường, với mục tiêu đưa Canh Nậu trở thành một cụm công nghiệp làng nghề kiểu mẫu. Toàn bộ cụm sẽ được trang bị hệ thống hạ tầng đồng bộ, bao gồm: trạm xử lý nước thải tập trung áp dụng công nghệ tiên tiến, hệ thống thoát nước mưa – nước thải tách rời, mạng lưới điện – chiếu sáng hiện đại và hệ thống cây xanh bao phủ toàn khu.
Ngoài ra, các điểm tập kết, thu gom chất thải rắn và rác thải công nghiệp sẽ được bố trí khoa học nhằm đảm bảo vệ sinh và an toàn môi trường trong quá trình vận hành sản xuất.
![]() |
Hà Nội thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Canh Nậu giai đoạn 2 tại Thạch Thất, diện tích 17,22ha, vốn đầu tư hơn 502 tỷ đồng. |
Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Canh Nậu – Giai đoạn 2 được triển khai tại xứ đồng Kê, xã Lam Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội có tổng diện tích 17,22 ha. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Biên, định hướng phát triển các ngành nghề chủ yếu như chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ cao cấp cùng một số ngành phù hợp với quy định pháp luật. Dự án sẽ được thực hiện trong vòng 24 tháng kể từ ngày có quyết định thành lập và có thời hạn hoạt động trong 50 năm.
Một điểm nhấn của dự án là tiêu chí chọn lọc nhà đầu tư thứ cấp. Các doanh nghiệp tham gia phải đảm bảo sản xuất công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, cụm công nghiệp sẽ là nơi di dời các cơ sở sản xuất làng nghề hiện đang hoạt động trong khu dân cư, góp phần giảm ô nhiễm và đảm bảo an toàn cho người dân.
Dự án cũng dành quỹ đất để hỗ trợ mở rộng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở hộ gia đình đang hoạt động trong làng nghề truyền thống theo quy định tại Nghị định 32/2024/NĐ-CP.
UBND Hà Nội yêu cầu Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về tính hợp pháp, minh bạch trong thông tin và năng lực tài chính. Dự án chỉ được triển khai sau khi hoàn thành các thủ tục về đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy, lao động…
Đáng chú ý, thành phố nghiêm cấm bố trí đơn vị ở, trung tâm thương mại hay lưu trú trong cụm công nghiệp, đồng thời không cho phép chuyển nhượng dự án hoặc huy động vốn trái quy định pháp luật dưới mọi hình thức.
Một yêu cầu quan trọng là dự án phải khớp nối hạ tầng kỹ thuật với Cụm công nghiệp Canh Nậu – Giai đoạn 1 để đảm bảo sự thống nhất và tối ưu hiệu quả sử dụng đất. Chủ đầu tư sẽ được thuê đất theo quy định, sử dụng đúng mục đích để triển khai các hạng mục công trình.
Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tham mưu UBND Thành phố thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp này. Bên cạnh đó, UBND huyện Thạch Thất và các sở, ngành liên quan như Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Công an TP… sẽ phối hợp hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục pháp lý theo đúng quy định.