Google có thể phải bán Chrome: Đòn giáng từ cáo buộc độc quyền. |
Theo nguồn tin, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) có thể sẽ yêu cầu thẩm phán Amit Mehta buộc Google của Alphabet, bán trình duyệt internet Chrome của mình. Ông Amit Mehta là thẩm phán Tòa án liên bang ở Washington DC, ông chính là người đã ra phán quyết vào tháng 8/2024 cho rằng, Google độc quyền thị trường tìm kiếm một cách bất hợp pháp.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cũng sẽ yêu cầu thẩm phán có các biện pháp khác liên quan đến trí tuệ nhân tạo và hệ điều hành điện thoại thông minh Android của Google.
Sở hữu trình duyệt web phổ biến nhất thế giới là chìa khóa quyết định mảng kinh doanh quảng cáo của Google. Tập đoàn này có thể kiểm soát cách người dùng truy cập Internet và những quảng cáo mà họ tiếp cận thông qua trình duyệt Chrome của mình.
Google cũng dùng Chrome để dẫn người dùng đến với sản phẩm AI của mình – Gemini và để nó đi theo họ trên khắp thế giới web.
Ngoài ra, Chrome còn là công cụ thu thập dữ liệu, từ đó sử dụng những thông tin này để điều chỉnh các chương trình khuyến mại và quảng cáo theo hướng hiệu quả hơn.
Điều này đóng góp phần lớn vào doanh thu của Google khi Chrome là trình duyệt được sử dụng rộng rãi nhất thế giới, chiếm khoảng 2/3 thị phần trình duyệt toàn cầu.
Hiện Bộ Tư pháp chưa đưa ra bình luận trước thông tin trên.
Lee-Anne Mulholland, Phó Chủ tịch phụ trách pháp lý của Google, nói DOJ "đang thúc đẩy một chương trình nghị sự vượt xa các vấn đề pháp lý" và hành động này sẽ gây hại cho người tiêu dùng.
Trình duyệt Chrome kiểm soát khoảng 61% thị trường ở Mỹ, theo dịch vụ phân tích lưu lượng truy cập web StatCounter.
Nhà phân tích Mandeep Singh nhận định, nếu Google phải bán Chrome, khó tìm ra người mua tiềm năng. Những người có đủ tiềm lực và mong muốn sở hữu Chrome – chẳng hạn Amazon cũng đang vướng phải các cáo buộc độc quyền.
Trước đó, trong đơn gửi lên tòa án ngày 8/10, DOJ muốn chia nhỏ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Google, như tách dịch vụ tìm kiếm khỏi Android, Chrome và cửa hàng ứng dụng Google Play. "Điều này ngăn Google sử dụng các sản phẩm như Chrome, Play Store và Android để ưu ái cho dịch vụ tìm kiếm và các sản phẩm liên quan của mình, gồm cả những tính năng tìm kiếm mới như AI", Bộ Tư pháp Mỹ nêu trong tài liệu.
Theo Reuters, động thái của DOJ là một trong những nỗ lực mạnh mẽ nhất của chính quyền Biden nhằm hạn chế tình trạng độc quyền của Big Tech. Mọi thứ có thể sẽ thêm căng thẳng sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống.
Hai tháng trước cuộc bầu cử, ông Trump tuyên bố sẽ truy tố Google vì "thiên vị" và chống lại ông. Một tháng sau, ông đặt câu hỏi liệu việc chia nhỏ công ty có phải là một ý tưởng hay hay không.
Giới phân tích dự đoán khả năng Alphabet sẽ phải chia tách công ty sau phán quyết. "Việc tách bạch kinh doanh tìm kiếm sẽ cắt Alphabet khỏi nguồn doanh thu lớn nhất đang có. Việc mất khả năng ký kết thỏa thuận mặc định độc quyền cũng có thể gây tổn hại cho họ", nhà phân tích Evelyn Mitchell-Wolf của Emarketer nói với Reuters.