Giá thịt lợn giảm sâu, chưa nhìn thấy tín hiệu tích cực từ thị trường

22:16 14/03/2023

Giá lợn đã giảm liên tục 4 tháng nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cho rằng, giá lợn hơi hiện nay đang xuống thấp là một tất yếu chứ không bất ngờ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trang trại của anh Trần Xuân Thời, xã Vũ Đoài (Vũ Thư, Thái Bình) đang nuôi khoảng 1.000 con lợn thịt và 150 con lợn nái. Do nuôi gối lứa nên tháng nào gia đình anh cũng có lợn thịt xuất bán. Từ cuối năm 2022, giá lợn hơi xuống thấp, cách đây vài ngày giảm mạnh, hiện dao động mức 47.000 - 49.000 đồng/kg. Với giá này, anh Thời lỗ khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg, tương đương 360.000 - 600.000 đồng mỗi con. 

Anh Thời cho biết: Gần một tuần nay, giá lợn giảm mạnh xuống dưới 50.000 đồng/kg tùy loại lợn, lợn truyền thống của địa phương nuôi trong dân hay còn gọi là lợn cỏ giá còn dưới 40.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong khoảng 2 năm qua. Do giá thức ăn cao, dịch bệnh phức tạp khiến chi phí cho thuốc thú y tăng, người chăn nuôi đang phải chịu mức chi phí từ 58.000 - 60.000 đồng cho 1kg lợn hơi khi phải mua con giống. Với giá bán như hiện nay, người chăn nuôi đang chịu lỗ cả tiền triệu đồng/con. Do dự báo được giá lợn hơi xuống thấp nên ngay từ dịp cuối năm 2022, tôi đã chủ động giảm đầu con, duy trì nuôi khoảng 70% công suất trại để hạn chế thua lỗ.

Theo anh Thời, nguyên nhân giá thịt lợn thấp như hiện nay do nguồn cung tăng cao trong khi sức mua của người dân giảm mạnh do ảnh hưởng bởi lạm phát. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm quy mô sản xuất, buộc phải giảm lao động, sức tiêu thụ thịt lợn của các khu công nghiệp, nhà hàng, quán ăn giảm theo. Chưa kể, xu hướng của người tiêu dùng chuyển dần từ giảm ăn thịt lợn, tăng ăn thịt gà, thịt bò, thủy sản...

Chia sẻ về nguyên nhân khiến giá lợn liên tục giảm sâu, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cho rằng, giá lợn hơi hiện nay đang xuống thấp là một tất yếu chứ không bất ngờ.

Theo ông Dương, bản chất vấn đề là quan hệ cung cầu. Thời gian qua, người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn. Bên cạnh đó, áp lực còn đền từ nguồn cung nhập khẩu. Thực tế, ngành chăn nuôi trong nước chỉ tăng có 2 - 3% nhưng nhập khẩu tăng đến hàng trăm phần trăm. “Tôi đã thống kê, nhập khẩu các sản phần từ lợn trong năm 2019, 2020 sang 2021 tăng 16 lần. Nguồn cung tăng lớn như vậy nhưng cầu không tăng mà lại giảm đi. Cầu không tăng đối với thịt lợn do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam đã thay đổi” – ông Dương dẫn chứng.

Đưa ra giải pháp ổn định thị trường và hỗ trợ người chăn nuôi thời điểm này, ông Dương đề xuất nên có hỗ trợ trợ tín dụng cho người chăn nuôi bên cạnh các hỗ trợ  về vaccine, kiểm dịch… giúp cho người chăn nuôi nông hộ giảm chi phí. Bên cạnh đó, cần đánh giá lại tiềm năng, cơ cấu ngành hàng chăn nuôi, đặc biệt là điều chỉnh được mục tiêu phát triển. Cần xem quy mô đàn lợn trong thời gian tới cần như thế nào là vừa. Không nên nói dư địa còn nhiều, vô tình đã tạo ra một không gian ảo để các DN trong nước và ngoài nước đầu tư quá nhiều vào, khiến chúng ta mất khả năng kiểm soát thị trường.

Tương tự như vậy, phải khuyến cáo để các doanh nghiệp khi đầu tư vào ngành hàng thịt lợn phải biết là thị trường còn bao nhiêu nữa và doanh nghiệp chăn nuôi phải xác định đầu tư ở Việt Nam nhưng phải chuyển sang xuất khẩu ở những nơi khác. Song song, phải có quy hoạch sản xuất, phải tổ chức lại sản xuất, nhất định phải theo chuỗi liên kết khi đó sẽ giúp nhà nước cân đối lại cung cầu.

Ông Dương kiến nghị cơ quan chức năng quản lý chặt hoạt động nhập khẩu thịt và phụ phẩm; có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhằm giảm giá thành sản phẩm; tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu thực ăn chăn nuôi nội địa.

Năm 2023, ngành nông nghiệp phấn đấu khôi phục tổng đàn lợn đạt trên 1 triệu con. Tuy nhiên, những khó khăn hiện tại đòi hỏi phải có giải pháp thích ứng duy trì chăn nuôi ổn định, hiệu quả. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân theo dõi sát diễn biến thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp, hạn chế thua lỗ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, tiêm phòng vắc-xin theo quy định nhằm giảm thiểu thiệt hại trong chăn nuôi.

Thanh Thủy t/h