Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, kinh doanh trong 4 tháng đầu năm nay là 51.500, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi tháng có tới 12.900 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường. Dịch bệnh Covid-19 đang khiến đa số doanh nghiệp gặp khó khăn và cần sự hỗ trợ kịp thời.
Mặc dù trong khoảng một năm qua, nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đã được Chính phủ ban hành, kịp thời “cứu sống” nhiều doanh nghiệp, song vẫn còn nhiều chính sách hiện vẫn chỉ nằm trên giấy mà chưa thể thực hiện do thiếu tính thực tế hoặc điều kiện đáp ứng quá chặt chẽ.
Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần may 10, điều mà doanh nghiệp cần nhất hiện nay của doanh nghiệp là được Chính phủ hỗ trợ về tài chính.
Gia hạn thời gian nộp thuế, giãn thuế hỗ trợ doanh nghiệp.
“Phục hồi sau khủng hoảng không thể trong ngày một ngày hai. Ảnh hưởng của đại dịch có thể kéo dài đến 2022, thậm chí là 2023. Chính vì vậy, việc giãn, hoãn đóng thuế sẽ giúp cho doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh và dần phục hồi” - ông Thân Đức Việt đề nghị.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 52/2021, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, thời gian gia hạn từ 3 - 8 tháng.
Tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng. Như vậy, đây là lần thứ ba Chính phủ gia hạn thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, phản ứng của Chính phủ trong thời gian qua là rất kịp thời, tuy nhiên, việc triển khai những chính sách cần được các bộ, ngành, địa phương phối hợp đồng bộ để doanh nghiệp có thể tiếp cận được một cách nhanh nhất.
P.V