![]() |
Giá dầu phục hồi nhờ kỳ vọng đàm phán thương mại Mỹ - Trung. |
Giá dầu đã phục hồi trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (7/5), khi thị trường kỳ vọng vào tiến triển trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung vào cuối tuần này, đồng thời ghi nhận tín hiệu cho thấy sản lượng dầu của Mỹ có thể giảm trong những tháng tới.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 73 cent, tương đương 1,2%, lên mức 62,88 USD/thùng. Dầu WTI của Mỹ tăng 81 cent, tương đương 1,4%, đạt 59,90 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều đang giao dịch cao hơn mức đáy trong bốn năm vừa qua, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ cùng các đối tác (OPEC+) quyết định đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng – động thái làm dấy lên lo ngại về dư cung trong bối cảnh nhu cầu yếu đi do căng thẳng thương mại.
Theo các chiến lược gia hàng hóa của ING, thông tin về việc Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán vào cuối tuần này đã giúp giá dầu bật tăng trở lại. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng “chỉ khi nào có tiến triển rõ ràng trong việc gỡ bỏ thuế quan, triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu mới thực sự được cải thiện”.
![]() |
Giá dầu WTI của Mỹ tăng 81 cent tương đương 1,4%, đạt 59,90 USD/thùng, và hiện đang được giao dịch trên mức đáy của 4 năm qua (Ảnh: Trading Economics). |
Đáng chú ý, giá dầu còn được hỗ trợ bởi sự sụt giảm sản lượng tại Mỹ – hệ quả của việc giá dầu thấp kéo dài trong thời gian qua. Một số công ty năng lượng Mỹ như Diamondback Energy và Coterra Energy đã công bố kế hoạch cắt giảm số lượng giàn khoan, một bước đi mà các nhà phân tích cho rằng sẽ giúp ổn định thị trường bằng cách hạn chế nguồn cung. Ông Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại Ngân hàng ANZ, nhận định: “Chúng tôi đã cảnh báo từ tháng trước rằng đà giảm giá và hoạt động khoan chậm lại có thể dẫn đến sản lượng dầu của Mỹ suy yếu”.
Theo số liệu từ Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API), tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã giảm 4,5 triệu thùng – cao hơn nhiều so với mức dự báo trung bình giảm 800.000 thùng theo khảo sát của Reuters.
Ngoài ra, các dấu hiệu cải thiện từ phía cầu cũng đang nâng đỡ giá dầu. Tại Trung Quốc, người tiêu dùng tăng chi tiêu trong dịp nghỉ lễ Quốc tế Lao động, trong khi các hoạt động thương mại nội địa phục hồi sau kỳ nghỉ kéo dài năm ngày. Tại châu Âu, kỳ vọng lợi nhuận quý I/2025 của các doanh nghiệp đã được điều chỉnh tăng – từ mức dự báo giảm 1,7% trước đó lên mức tăng 0,4%.
Trong bối cảnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp hôm nay (7/5), khi nền kinh tế vẫn đang bị ảnh hưởng bởi bất ổn từ chính sách thuế. Thị trường sẽ theo dõi sát sao phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell để đánh giá khả năng điều chỉnh chính sách trong các kỳ họp tới.
![]() Thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng điểm khi Trung Quốc tung gói kích thích kinh tế mạnh mẽ, và Mỹ - Trung xác nhận nối lại đàm phán thương mại sau nhiều tháng căng thẳng leo thang. |
![]() Trung Quốc bất ngờ công bố loạt biện pháp kích thích kinh tế nhằm ứng phó đà giảm tốc tăng trưởng, tình trạng giảm phát và căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ. |
![]() Tăng trưởng kinh tế của Eurozone đã giảm tốc trong tháng 4, khi chỉ số PMI chỉ đạt 50,4, còn ngành dịch vụ gần như đình trệ, lạm phát tiếp tục hạ nhiệt – tạo tiền đề cho khả năng ECB cắt giảm lãi suất. |