Dự báo nông nghiệp trong nước về đích ngoạn mục

09:10 30/09/2023

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, sau 3 quý của năm, giá trị xuất khẩu nông sản đạt gần 38,5 tỷ USD, tăng đến 22% so với cùng kỳ năm 2022 với nhiều mặt hàng tăng trưởng vượt bậc như rau quả, gạo, hạt điều…

9 tháng đầu năm 2023, một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nổi trội. Cụ thể, xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu hạt điều đạt 2,61 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu cà phê đạt 3,16 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng với mặt hàng gạo, 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng xuất khẩu gạo đạt 6,6 triệu tấn; giá gạo 553 USD/tấn, tăng 14%. Với kết quả đã đạt được, dự báo sản lượng gạo xuất khẩu chắc chắn sẽ vượt con số của năm ngoái (7,13 triệu tấn) và dự kiến sẽ đạt 7,8 triệu tấn với giá trị đạt trên 4 tỷ USD.

Bộ NN&PTNT nhận định, nếu đà tăng trưởng này được duy trì từ nay đến cuối năm, mục tiêu xuất khẩu 54 - 55 tỷ USD mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho ngành nông nghiệp năm 2023 có thể đạt được.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tuy vậy, một trong những mối lo của ngành nông nghiệp hiện nay là vẫn còn tình trạng những lô hàng vi phạm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Theo thống kê, chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2023 đã phát hiện 370 lô hàng chuối, xoài, thanh long, sầu riêng, mít bị cảnh báo đều liên quan đến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của 13 tỉnh. Những vi phạm này có thể đẩy các ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đứng trước nguy cơ mất thị trường.

Cùng với đó về kiểm soát chất lượng, một thông tin trong những ngày gần đây, Iceland vừa gửi cảnh báo lên hệ thống thông báo của Liên minh châu Âu (EU) đối với sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật xuất khẩu của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Anh cũng phản ánh, một số siêu thị (Waitrose, Whole Food) tại Anh đã dừng bán thanh long Việt Nam và chuyển sang bán thanh long Tây Ban Nha hoặc Campuchia.

Cục Tiêu chuẩn thực phẩm Anh (FSA) và Cục Tiêu chuẩn thực phẩm Scotland (FSS) dự kiến đề xuất đưa trái thanh long Việt Nam sang phụ lục II (sản phẩm phải được xét nghiệm và được cấp giấy chứng nhận an toàn tại Việt Nam trước khi được phép lưu thông trên thị trường).

Ngọc Phi (TH)

Tags: