Vậy, Hà Tĩnh đã có những bí quyết gì để đạt được kết quả trên, PV Doanh nghiệp & Hội nhập đã có cuộc trao đổi với ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh về vấn đề này.
PV: Thưa ông, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh đang tiến triển như thế nào?
- Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua địa bàn Hà Tĩnh có chiều dài 102,38 km, gồm 3 đoạn: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng. Cùng với đó còn có 3 tuyến đường kết nối cao tốc dài 12,18 km là đường Ngô Quyền – ĐT.550, đường song hành cao tốc nối ĐT.550 - Hàm Nghi kéo dài và đường Cẩm Quan - Quốc lộ 1.
Theo đó, Hà Tĩnh cần bàn giao 1.000 ha đất các loại với hơn 8.500 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 404 hộ tái định cư; 746 hộ ảnh hưởng một phần tài sản, vật kiến trúc, cây cối; xây dựng 26 khu tái định cư, 4 nghĩa trang; di dời hệ thống đường điện cao thế, trung thế, hạ thế và các công trình, hạ tầng kỹ thuật khác.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng gần 100%, phần vướng mắc còn lại chỉ rất ít đang tiếp tục được giải quyết. Đó là thành quả của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân Hà Tĩnh.
PV: Khi có dự án đường cao tốc Bắc – Nam đi qua, Hà Tĩnh đã nhập cuộc như thế nào,t hưa ông?
- Hà Tĩnh xác định đường cao tốc Bắc Nam đi qua là huyết mạch quốc gia, là xương sống của đất nước trong phát triển kinh tế, liên kết với tất cả vùng, miền, đây cũng là tuyến đường tạo đà phát triển kinh tế kết nối Lào với Đông Bắc Thái Lan đi các tỉnh. Vì vậy, ngay khi có chủ trương, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã triệu tập cuộc họp với tất cả lãnh đạo trong Ban chấp hành Đảng bộ, cả hệ thống chính trị vào cuộc rất kịp thời. Các tổ công tác từ thôn, xã, huyện đến tỉnh nhanh chóng được thành lập.
Xác định công tác GPMB là việc làm khó, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân, bên cạnh việc huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, Hà Tĩnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, chủ đầu tư trong quá trình triển khai việc kiểm đếm, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án cao tốc Bắc – Nam.
PV: Theo đánh giá của Bộ GTVT, Hà Tĩnh là địa phương luôn nằm trong “top đầu” về bàn giao mặt bằng trong 12 tỉnh thành có các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đi qua địa bàn. Để đạt kết quả như vậy, Hà Tĩnh đã có những cách làm sáng tạo nào, thưa ông?
- Trong công tác giải phóng mặt bằng, Hà Tĩnh có rất nhiều cách làm hay. Đối với các huyện, bên cạnh lực lượng chủ chốt thì UBMT Tổ quốc các địa phương cũng đóng vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ thêm cho các gia đình. Ngoài ra, các lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, người cao tuổi, cựu chiến binh… đều tham gia vào công cuộc giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân. Nguyên tắc là nơi ở mới phải tốt hơn hoặc ít nhất phải bằng nơi ở cũ.
Tất cả các sở, ngành đều vào cuộc nhanh chóng. Riêng đối với tuyến tỉnh, tỉnh chỉ đạo giao một Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách chung 6 huyện, còn các huyện vào cuộc, phối hợp nhịp nhàng. Giao một Giám đốc Sở phụ trách 2 huyện, đồng chí Giám đốc báo cáo kịp thời hằng ngày với đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh và hằng tuần với Chủ tịch tỉnh. Vướng mắc ở đâu sẽ kịp thời tháo gỡ, huyện nào làm chậm sẽ bị phê bình, huyện nào làm nhanh được biểu dương, khen thưởng.
Tất cả các hồ sơ, thủ tục liên quan đến dự án trọng điểm Quốc gia này đều được giải quyết một cách nhanh nhất. Các thủ tục hành chính rườm rà đều được cắt giảm nhưng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Quan điểm của tỉnh là làm nhanh, làm đúng, không làm sai.
PV: Theo ông, yếu tố nào là quan trọng nhất trong công tác giải phóng mặt bằng?
- Để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, yếu tố quan trọng nhất là công tác tuyên truyền. Khi có dự án cao tốc đi qua, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ triệu tập cuộc họp lấy ý kiến của tất cả các đồng chí trong Ban chấp hành, ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị đến tất cả huyện, xã, thôn, xóm. Xác định đầu tiên là công tác tuyên truyền cho người dân, nói cho dân nghe, nói cho dân hiểu, phải đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Nhờ công tác tuyên tuyền tốt đã tạo được sự đồng thuận rất lớn từ bà con nhân dân có tuyến đường cao tốc đi qua. Khi lấy ý kiến tái định cư, áp giá đền bù đều được bàn bạc thông qua các cuộc họp thôn, xã có sự tham gia của cấp huyện, cấp tỉnh cùng đồng hành, tháo gỡ vướng mắc với bà con. Mọi khó khăn, vướng mắc của người dân đều được nhanh chóng tháo gỡ, tất nhiên, phải làm khách quan, dân chủ, minh bạch và đúng quy định của pháp luật.
Trong quá trình giải phóng mặt bằng, rất tự hào khi nhiều gia đình biết có đường cao tốc đi qua, chưa kiểm đếm, đo đạc, chưa đền bù nhưng vẫn chủ động đi làm nhà mới để bàn giao mặt bằng cho dự án. Để có sự đồng thuận cao như vậy, chính là nhờ làm tốt công tác tư tưởng của cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực cũng có một số người dân lợi dụng cơ hội đền bù, trồng cây, xây công trình để trục lợi, một số đối tượng cố tình kích động, lôi kéo. Những vấn đề này đều được cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
PV: Vậy đâu là khó khăn lớn nhất của Hà Tĩnh khi triển khai công tác giải phóng mặt bằng, thưa ông?
- Khó khăn lớn nhất là nhà ở và nghĩa trang. Hà Tĩnh đã quy hoạch xây dựng 26 khu tái định cư, 4 nghĩa trang phục vụ việc di dời các hộ dân và cất bốc mồ mả nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án. Sau khi tuyên truyền để người dân tái định cư ổn định thì vấn đề nan giải còn lại là 4 khu nghĩa trang cần phải di dời. Khó khăn ở vấn đề tâm linh, tuy nhiên người dân Hà Tĩnh cũng rất đồng lòng và sẵn sàng di dời. Một tính cách rất đáng ghi nhận của người dân Hà Tĩnh đó là lợi ích Tổ quốc, lợi ích Quốc gia đều được đặt lên hàng đầu.
Có thể nói, dự án này nhận được sự đồng thuận rất lớn từ cấp uỷ, chính quyền đến người dân. Kết quả đó là nhờ cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng luôn làm việc rõ ràng, minh bạch, mềm mỏng, hài hòa nhưng cũng rất cứng rắn, quyết liệt. Nhân dân rất phấn khởi với cách làm của Hà Tĩnh.
Vâng, xin cảm ơn ông!
Tâm Đan (thực hiện)