Coupang, từ lâu được coi "Amazon của Hàn Quốc" đã công bố kế hoạch trong tuần này cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở New York, công ty huy động tới 3,6 tỷ USD và nâng mức định giá từ 46 tỷ đến 51 tỷ USD, đánh dấu đây có thể là đợt chào bán lớn nhất của Mỹ cho danh sách các công ty niêm yết năm nay. Lần định giá này là một bước nhảy vọt lớn so với vòng tài trợ 2 tỷ đô la từ Quỹ Tầm nhìn (Vision Fund) của Softbank vào năm 2018, vốn đã định giá công ty ở mức 9 tỷ đô la.
Một hồ sơ của công ty cho thấy, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Coupang, Bom Kim, 42 tuổi, nắm giữ 10,2% cổ phần của công ty sau đợt IPO này. Với mục tiêu định giá giá từ 27 đến 30 USD cho mỗi cổ phiếu, điều đó có nghĩa là giá trị tài sản ròng của Kim có thể tăng lên ít nhất 4,7 tỷ USD vào thời điểm giao dịch ra mắt. Người phát ngôn của công ty đã không phản hồi về sự gia tăng giá trị ròng vào thời điểm công bố.
Kim, một công dân Hoa Kỳ, rời Hàn Quốc năm 7 tuổi và theo học trường nội trú ở Massachusetts năm 13 tuổi. Anh bỏ học tại Trường Kinh doanh Harvard và quay trở lại sống ở Hàn Quốc, thành lập Coupang vào năm 2010 với mô hình kinh doanh tương tự như Groupon (thị trường thương mại điện tử toàn cầu của Mỹ), sau đó chuyển sang một thị trường giống như eBay (website bán hàng trực tuyến, nơi mà mọi người khắp nơi trên thế giới có thể mua hoặc bán hàng hóa và dịch vụ) trước khi chuyển hướng sang hàng tiêu dùng đại trà ở quê nhà.
Đến đầu năm 2015, Coupang đã huy động được gần 500 triệu đô la từ các nhà đầu tư như Sequoia Capital và BlackRock, đồng thời sử dụng số vốn này để tập trung vào việc giao hàng nhanh chóng, nhắm mục tiêu đến các bà mẹ nội trợ với nhu cầu đối với hàng hóa thiết yếu như tã giấy, gạo và đồ uống đóng chai, nước. Kể từ đó, công ty đã tung ra dịch vụ giao hàng trong ngày và hiện có khả năng giao hàng nhanh trong vòng 24 giờ trên toàn quốc, được cho là nhanh nhất trong số các đối thủ của mình, giúp thúc đẩy doanh số bán hàng trong bối cảnh đại dịch. Hiện tại, công ty chỉ hoạt động tại thị trường Hàn Quốc.
Coupang có doanh thu ròng gần 12 tỷ USD vào năm 2020, tăng 90% so với năm trước, nhưng vẫn không thể tạo ra lợi nhuận. Lỗ ròng trong năm gần nhất ở mức 475 triệu đô la, từ 700 triệu đô la vào năm 2019, theo bản cáo của công ty.
Lyly (Theo Forbes)