Đông Anh (Hà Nội): Độc đáo lễ hội “kén rể” Đường Yên

23:47 27/01/2023

Lễ hội “Kén rể” đã có từ thời xa xưa được diễn ra vào mùng 2 tháng Hai (âm lịch) với mục đích tưởng nhớ công ơn nữ tướng Lã Lê Hoa, đây là cuộc thi đậm chất dân gian, mang lại sự vui nhộn và tiếng cười sảng khoái cho du khách trẩy hội đầu xuân với nhiều nghi thức và trò chơi dân gian độc đáo nhằm tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Lê Hoa.

Các cụ kể rằng, khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa tại làng Đường Yên có người con gái tên là Lê Hoa lúc đó vừa tròn đôi mươi vẫn chưa lấy chồng, là thân cân của Hai Bà Trưng đi đánh giặc Đông Hán và lập nhiều chiến công. Sau khi lên ngôi vua, Hai Bà Trưng điều Lê Hoa về làm tri phủ huyện Đông Ngàn, bản doanh đóng tại làng Đường Yên. Khi đất nước hoà bình, Lê Hoa mở hội kén người hiền tài làm chồng. Lễ hội “kén rể” từ đó ra đời. 

Ảnh minh họa
Lễ hội “Kén rể” độc đáo niên đại ngàn năm ở đất Kinh Kỳ.

Muốn tham gia lễ hội “Kén rể” đòi hỏi các thanh niên phải đạt tiêu chí ban tổ chức lê hội đề ra. Người đóng vai mẹ của Thánh bà, tức Mẫu bà phải là người đẹp, song toàn, gia đình gương mẫu. Người đóng Thánh bà cùng hai “chàng rể” phải là các trai thanh gái lịch, chưa có gia đình riêng, học hành giỏi giang, xuất thân trong các gia đình nền nếp... 

Ảnh minh họa
Người thắng cuộc được Mẫu bà ban thưởng và chọn làm rể quý..

Từ năm 2001 đến nay cứ vào sáng ngày mùng 2 tháng Hai âm lịch, dân làng Đường Yên náo nức ra đình dự hội. Khai hội là màn vinh quy bái tổ bao gồm một đoàn người rước kiệu đi từ cổng làng vào sân đình, hai bên có các bô lão trong làng đón Thánh bà xuống kiệu. Tiếp đến là màn múa tích “Cởi vú mo” bắt đầu nhằm tái hiện cảnh Thánh bà giả trai, dùng mo cau làm áo giáp tham gia đánh giặc. Sau đó bà cởi bỏ mo cau để trở lại là con gái và đi lấy chồng. Màn múa này được thực hiện bởi sáu em nhỏ ăn mặc đẹp, đeo mặt nạ. 

Đông đảo du khách thập phương tham dự Lễ hội Kén rể.
Đông đảo du khách thập phương tham dự Lễ hội Kén rể.

Có trống lệnh, các “nàng tiên” cởi mo ở ngực ra. Đây được coi là màn múa đặc trưng nhất của lễ hội. Màn múa kết thúc hai “chàng rể” trong trang phục truyền thống cùng giới thiệu về bản thân và thi tài ứng xử. Các “chàng rể” phải trải qua những màn thi khó khăn như: Thi cày, cấy, kiếm cá vá chài … vv từ các phần thi ban giám khảo chấm điểm để tìm ra người chiến thắng, dân làng tổ chức múa hát mừng cho đôi trai tài gái sắc nên duyên.

PV.