Đối diện đại dịch lần thứ 4: Vẫn cần kiên định mục tiêu kép!

19:32 02/05/2021

Với công điện 583 ban hành hôm nay 02/5/2021, Bộ Y tế thay mặt Chính phủ đã chính thức công bố quyết định “tuyên chiến” lần thứ 4 với đại dịch COVID-19 của người dân Việt Nam.

Người lao động cần được hỗ trợ, là kiến nghị quan trọng nhất từ các doanh nghiệp trong đợt tuyên chiến đại dịch lần thứ tư này.
Người lao động cần được hỗ trợ, là kiến nghị quan trọng nhất từ các doanh nghiệp trong đợt tuyên chiến đại dịch lần thứ tư này.

Đây được coi là động thái cực kỳ cần thiết, kịp thời, của Chính phủ và các ban ngành quản lý, trước nguy cơ đại dịch tái bùng phát và lây lan dữ dội, uy hiếp trực tiếp đến an nguy sức khỏe người dân trong và ngoài nước. Cho đến giờ phút này, chuông báo động đã gióng lên khẩn cấp ở tất cả các nước có chung đường biên giới đất liền và hải phận với Việt Nam. Con số bệnh nhân lây nhiễm COVID-19 đang được nhân lên hàng ngày với 3 chữ số, ở những đất nước tưởng “thoát nạn” ở 3 lần dịch trước là Lào, Campuchia.

Tất cả đặt đất nước và toàn dân Việt Nam vào một lựa chọn quyết liệt mới, nhanh chóng nhập cuộc phòng chống, kiên quyết phòng thủ, loại trừ và xử lý ngay các dấu hiệu dịch bệnh lan tỏa vào nội địa. Một chút chậm trễ hay thờ ơ, sẽ đồng nghĩa với những cái giá phải trả quá đắt, mà mỗi người dân, đến giờ phút này, đều đã có thể cảm nhận qua những bản tin, hình ảnh lan truyền từ Ấn Độ, Thái Lan…

Nỗi lo lớn nhất của người dân, là với biên giới trải dài, liền kề những quốc gia đang báo động đỏ, liệu Việt Nam có an toàn? Đáp lại băn khoăn này, tư thế của Chính phủ và các cơ quan chức năng đã thể hiện cấp thời, trực diện tinh thần hành động cần có. Đường biên giới được xiết chặt, mọi lực lượng được huy động tối đa, mọi nguồn lực từ Chính phủ được đưa ra minh bạch. Truy từng nhà, kiểm tra từng đối tượng, là tinh thần làm việc mà bộ máy hành chính, chức năng của Trung ương và mỗi địa phương đang thể hiện. Và thông qua biểu hiện ấy, cả đất nước đang thực sự bước vào cuộc chiến mới, với đại dịch COVID-19, với những uy hiếp vô hình đến từ sức mạnh thiên nhiên, mà con người chỉ có thể chống lại bằng tinh thần đoàn kết.

Công điện mới từ Bộ Y tế,
Công điện mới từ Bộ Y tế, "tuyên chiến" lần thứ 4 với đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, phản ứng ngược với tinh thần chỉ đạo và hành động trách nhiệm ấy, rất nhiều nhóm và cộng đồng người dân Việt vẫn chưa thể hiện được tư thế và tâm lý vào cuộc rõ ràng của mình. Ngay kề những hiểm họa, những vi phạm từ các cá nhân nhập cảnh lậu vào nước, vượt biên trái phép để né lánh lực lượng chốt chặn, vẫn đang xảy ra. Ngay với kỳ nghỉ lễ 30/4 – 01/5, không ít địa phương vẫn thể hiện thái độ hòa hoãn, thả nổi với những biểu hiện vi phạm và ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe toàn dân. Công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, đang gặp trở ngại lớn từ chính những đám đông tụ tập, vui chơi, không chịu hy sinh sở thích, ý nguyện cá nhân vì cộng đồng, và rất nhiều lý do tưởng chừng hợp lý khác.

Điều đáng khẳng định ở đây, là bất chấp mọi lý lẽ lý do, mọi người dân cần hiểu rõ và lập tức tham gia vào cuộc chiến lần thứ 4 này, ngay lập tức. Sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau, nếu tất cả mọi người đều tiến lên phía trước. Đây là tinh thần và thái độ cần thiết, để Việt Nam an toàn đi qua dịch bệnh!

Không ít người cho rằng, hơn 1 năm trời đối diện dịch bệnh, sức đề kháng của nền kinh tế Việt đã bị bào mòn. Con số các doanh nghiệp rệu rã, bế tắc, bị kiệt quệ tài chính, bị lụn bại tinh thần, đang ngày ngày được điểm danh trong danh mục đơn vị ngừng hoạt động, là có thật và không hề ít ỏi. Nhất là các doanh nghiệp thuộc các ngành dịch vụ liên quan du lịch, thương mại, đến nay gần như không còn khả năng tự giải quyết vấn đề tồn tại nữa.

Bởi thế, yêu cầu chỉ đạo từ Chính phủ, về hoàn thành mục tiêu kép, vừa tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, vừa phòng chống dịch an toàn, là thách đố cực kỳ cam go với cộng đồng doanh nghiệp vào lúc này. Với lần quay lại thứ 4 này, đại dịch toàn cầu sẽ uy hiếp trực tiếp đến những phân đoạn và năng lực cuối cùng của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế. Nên, không thể đơn giản nói rằng, các doanh nghiệp lại một lần nữa tự tin vượt qua.

Bởi thế, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, đại diện nhiều hội nghề nghiệp, trong bối cảnh này, đều có những đề xuất, kiến nghị, mong mỏi sự hỗ trợ, can thiệp cần thiết, hợp lý từ các chính sách, chủ trương của Trung ương và các địa phương. Bên cạnh thái độ kiên quyết phòng ngừa, các doanh nghiệp hy vọng các cơ quan chức năng nhìn nhận chuẩn xác, đánh giá đúng các áp lực nguy cơ, để đưa ra những giải pháp ứng biến kịp thời, hỗ trợ các doanh nghiệp một cách đúng mực. Đơn cử với các đơn vị sản xuất, công tác điều hành, quản lý thị trường, mở cửa thông quan, giúp giảm các chi phí vận tải, xuất kho hàng hóa… là rất cần thiết. Công tác tổ chức thu mua, bảo quản, chế biến các nguyên vật liệu cần được các địa phương tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp thực thi. Với các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch, mô hình ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ số hóa trở nên cần thiết, thì sẽ rất cần những chính sách ứng dụng, cho phép triển khai, tạo điều kiện về mở cổng trực tuyến, giải pháp trực tuyến… từ các cơ quan quản lý chuyên môn. Những yêu cầu báo cáo, thẩm định, kiểm tra cần được số hóa từ chính các cơ quan quản lý Nhà nước, để giảm phiền hà cho doanh nghiệp, tinh giản tiết kiệm chi phí cho họ. Đặc biệt, việc áp dụng Nghị định 52 hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chính là một cánh cửa tích cực để các doanh nghiệp thêm tự tin, đi qua bối cảnh khó khăn mà bước tới.

Trong diễn biến chung ấy, công tác hỗ trợ chính người lao động cho các tổ chức doanh nghiệp cần được xem là quan trọng nhất, tạo động lực trực tiếp nhất cho các doanh nghiệp hội tụ được nội lực mà tồn tại. Theo các doanh nghiệp, kiến nghị lớn nhất của họ, vẫn là các chính sách, giải pháp giúp đỡ đời sống người lao động, trước cuộc chiến dịch bệnh lần thứ 4!

Nguyên Đức