Ngày 10 tháng 7, Tiến sĩ Abraham Sokhaya Nkomo chết vì Covid-19 ở Pretoria, Nam Phi. Abe Nkomo nổi tiếng với các vai trò quan trọng trong đời sống công cộng tại khu vực với tư cách là một bác sĩ, một nhà tổ chức chống phân biệt chủng tộc, thành viên quốc hội, nhà ngoại giao kiêm hoạt động y tế công cộng lâu năm. Ông đã tiêm liều vaccine Covid-19 Pfizer đầu tiên vào ngày 9 tháng 6. Tuy nhiên tới ngày 24 tháng 6, gia đình ông xuất hiện các triệu chứng giống như bệnh cúm và ông có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid. Tình hình không mấy khả quan khi lượng oxy của ông giảm nhanh chóng và phải dùng đến máy thở. Ông được chuyển đến ICU trong tình trạng nguy kịch.
Cách đó hàng nghìn dặm, con trai út của ông, Marumo Nkomo, một ủy viên hội đồng tại Phái bộ Nam Phi ở Geneva, đã tham gia các cuộc đàm phán tại Tổ chức Thương mại Thế giới. Với tư cách là đại diện thương mại cho đất nước của mình, Nkomo và người đứng đầu phái bộ, Xolelwa Mlumbi-Peter kêu gọi WTO thông qua việc từ bỏ độc quyền dược phẩm trên toàn cầu để các nước nghèo trên thế giới có thể sản xuất và tiếp cận vaccine cần thiết. Tại lục địa châu Phi chỉ có chưa đến 3% dân số được tiêm chủng tính đến thời điểm này bởi các nước giàu đã mua và tích trữ gần như toàn bộ nguồn cung toàn cầu.
Khi tình trạng của người cha trở nên tồi tệ, Nkomo đã quyết định bay về nhà. Mười phút sau khi máy bay hạ cánh ở Johannesburg, anh nhận được điện thoại báo tin cha qua đời. Câu chuyện của gia đình Nkomos cho thấy sự tàn nhẫn nhất, mặt tối nhất trong thời điểm này. Khi các quốc gia giàu có nhất trên Trái đất cùng các tập đoàn hùng mạnh “khóa trái” mối quan hệ của những nước nghèo hơn, dẫn đến bế tắc và gây ra thiệt hại lớn về kinh tế cũng như khủng hoảng nhân đạo.
Zackie Achmat, nhà hoạt động huyền thoại người Nam Phi, chia sẻ: “Bác sĩ Abe Nkomo là một người đàn ông lịch thiệp nhưng cũng là “người khổng lồ” trong trái tim của những người nhiễm HIV. Ông đã đấu tranh để chúng tôi tiếp cận thuốc men và ủng hộ những thay đổi về mặt luật pháp vào cuối những năm 1990, cho chúng tôi quyền được sống. Tiến sĩ cũng đấu tranh chống lại trục lợi trong ngành dược phẩm”. Cho đến tận cuối đời, Nkomo vẫn luôn cống hiến cho đất nước, điều hướng đại dịch một cách cẩn trọng, tránh những sự kiện lớn, ngoại trừ một lần đến dự đám tang của anh trai cũng chết vì Covid-19. Nếu tiến sĩ Nkomo sống ở Anh, Mỹ hoặc Đức có lẽ ông đã được tiêm chủng vào tháng 3, kịp thời trước sự tấn công của biến thể Delta. Thế nhưng, sống tại Nam Phi và nhận liều tiêm đầu tiên chỉ mới đầu tháng 6, Nkomo đã không may mắn như vậy. Achmat bùi ngùi: “Mỗi khi tôi mở trang Facebook cá nhân, tôi biết rằng ít nhất ba hoặc bốn người nữa chết vì Covid-19”.
Khi Nam Phi và Ấn Độ đề xuất từ bỏ độc quyền dược phẩm tại WTO vào tháng 10 năm 2020 đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh tình trạng phân bổ vaccine thiếu công bằng. Vaccine Covid-19 thiếu hụt do các công ty độc quyền hạn chế cơ sở sản xuất trong khi nguồn cung hiện có thường được chuyển đến các nước giàu. Sự thiếu hụt toàn cầu dẫn đến tử vong ở các nước nghèo vốn là cái kết hoàn toàn có thể tránh được.
Những nước giàu ban đầu đều phản đối miễn trừ bằng sáng chế đối với vaccine Covid-19 trong lần đề xuất đầu tiên. Chừng nào các nước mạnh về kinh tế còn phản đối, WTO hoạt động theo mô hình đồng thuận không thể làm gì hơn. Tháng 5 năm nay, chính phủ Hoa Kỳ đã thay đổi và tuyên bố ủng hộ miễn trừ, mang lại cơ hội mới và động thái này được hoan nghênh. Tuy nhiên Vương quốc Anh, Thụy Sĩ và EU, Đức tiếp tục phản đối. Bên cạnh đó, một giả thuyết cho rằng các công ty dược phẩm phương Tây sẽ sớm cung cấp cho các nước giàu và sau đó có thể tập trung vào các nước nghèo trong năm tới. Lý thuyết này bùng nổ khi các quốc gia giàu thực hiện chiến lược tiêm tăng cường cho người dân. Tuần này, WTO sẽ mở cửa trở lại sau đợt nghỉ hè theo thông lệ, thảo luận về việc từ bỏ độc quyền dược phẩm. Gánh nặng về vaccine trong khu vực tiếp tục đặt lên vai những người như Marumo Nkomo. Họ đã nỗ lực vượt qua những mất mát cá nhân để giành cho quê hương những gì tốt đẹp nhất.
TL