Bài liên quan |
Masan Consumer cùng TP Hồ Chí Minh quảng bá hàng Việt ra thế giới |
Khai trương “Gian hàng Triển lãm và Quảng bá hàng Việt” tại Đài Loan |
Theo thông tin từ Báo Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1970/QĐ-BCT về kế hoạch triển khai Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 18/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch này nhằm thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại gắn với chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh năm 2025.
Theo đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ chủ trì phối hợp cùng các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế triển khai các chương trình kết nối, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trực tuyến. Đối tượng ưu tiên là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, làng nghề truyền thống và các cơ sở sản xuất tại địa phương – nhóm vốn còn nhiều hạn chế trong tiếp cận thị trường số.
![]() |
Thúc đẩy quảng bá hàng Việt và đặc sản vùng miền qua nền tảng số |
Một nội dung đáng chú ý trong kế hoạch là khuyến khích phát động các chương trình quảng bá hàng Việt và sản phẩm đặc trưng vùng miền trên môi trường số. Thông qua đó, sản phẩm địa phương sẽ được tiếp cận đến đông đảo người tiêu dùng cả nước, đồng thời nâng cao khả năng vươn ra thị trường xuất khẩu.
Để bảo đảm hiệu quả triển khai, Bộ Công Thương xác định đào tạo, nâng cao năng lực số cho doanh nghiệp là trọng tâm then chốt. Các nội dung đào tạo bao gồm: ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, khai thác dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), xây dựng thương hiệu trên nền tảng số… Qua đó, giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh và từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, các đơn vị như Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài cũng sẽ đẩy mạnh tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại chuyên ngành tại các thị trường trọng điểm gồm EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khối ASEAN.
Một mục tiêu quan trọng khác được Bộ Công Thương nhấn mạnh là phổ cập kỹ năng thương mại điện tử đến từng địa phương, từng doanh nghiệp, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa – nơi doanh nghiệp còn hạn chế tiếp cận công nghệ và thị trường. Việc đưa công nghệ số đến tận cơ sở được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp Việt tận dụng tối đa các cơ hội trong nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng.
Trong thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tổ chức nhiều hoạt động thực tiễn nhằm gắn kết thương mại điện tử với phát triển vùng. Đơn cử như các hội nghị liên kết vùng tổ chức tại miền Trung, Lai Châu… nhằm kết nối địa phương với hệ thống phân phối hiện đại và nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh.
Đặc biệt, thông qua Trung tâm phát triển thương mại điện tử và công nghệ số (eComDX), Cục đã tổ chức hàng loạt lớp tập huấn tại các tỉnh Thái Nguyên, Trà Vinh, Hưng Yên, Gia Lai, Quảng Trị… Nội dung tập huấn không chỉ dừng ở kiến thức pháp luật và kỹ năng cơ bản, mà còn đi vào các kỹ năng chuyên sâu như xây dựng thương hiệu cá nhân, chiến lược livestream, ứng dụng AI và các công cụ số hỗ trợ kinh doanh hiện đại.
Với định hướng đồng bộ và quyết liệt trong việc kết hợp xúc tiến thương mại và chuyển đổi số, Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng Việt, đặc biệt là các sản phẩm địa phương, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong thời đại số hóa toàn cầu.