Doanh nhân Phạm Đình Đoàn sinh năm 1964 tại quê lụa Hà Tây, đến năm lớp 2 Phạm Đình Đoàn theo bố ra sống ở Hà Nội với điều kiện sinh hoạt thời bao cấp cực kỳ khó khăn của những năm thập kỷ 70. Cuộc sống, sinh hoạt của 2 bố con chủ yếu trông vào đồng lương của bố anh – Một bác sĩ khoa ngoại Bệnh viện Việt Đức. Gạo, tiền thiếu quanh năm, những bữa ăn tươi của hai bố con chỉ trông vào thịt và những phủ tạng của các con vật còn thừa do bố anh mang từ phòng thí nghiệm về… Năm 1982 Phạm Đình Đoàn thi đỗ vào khoa Hoá - Thực phẩm (Đại học Bách KHoa).
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội (1987), Phạm Đình Đoàn về làm việc tại Viện Công nghệ thực phẩm. Thời gian này cũng là lúc kinh tế đất nước có nhiều chuyển biến tích cực, Phạm Đình Đoàn nhanh chóng nắm bắt cơ hội, trở thành một cán bộ có chuyên môn giỏi và được cử đi học ở Thái Lan và Pháp.
Bước ngoặt của cuộc đời người cán bộ khoa học trẻ Phạm Đình Đoàn đã thực sự thay đổi sau 2 lần anh được đi học tập ở nước ngoài: Lần thư nhất anh học 6 tháng bên Thái Lan theo một chương trình tài trợ của Tổ chức Bánh mì Thế giới (năm 1989 – 1990) và lần thứ 2 sang Pháp nghiên cứu, học tập 9 tháng (trong năm 1993). Ở nước ngoài, một điều khiến anh phải ngạc nhiên là tiềm lực của các doanh nghiệp (DN) tư nhân rất mạnh. Cả một hãng sản xuất ô tô, một bệnh viện, một nhà hàng, siêu thị lớn… đều thuộc quyền sở hữu của tư nhân, do tư nhân điều hành. Việc phân phối hàng hoá trong các siêu thị mặc dù của tư nhân, nhưng được vận hành, phân phối rất chuyên nghiệp và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại sao nước mình lại không tổ chức được những hệ thống phân phối chuyên nghiệp như vậy, trong khi người cần bán không biết bán cho ai, người cần mua không có địa chỉ tin cậy để tìm tới?
Với khát khao được làm điều mình mong muốn, Phạm Đình Toàn chấp nhận thử thách đối diện với nguy cơ trắng tay nếu thất bại. Và nếu không đủ bản lĩnh vượt qua chính mình ở thời điểm đó, ông đã không thể thành công như hôm nay. Quyết đoán nhưng luôn giữ phong thái làm việc của một nhà khoa học, Phạm Đình Đoàn luôn cẩn trọng với từng bước đi trong sự nghiệp kinh doanh của mình
Thành lập Công ty Phú Thái vào năm 1993 với hơn 10 thành viên, chỉ một năm sau khi Luật Doanh nghiệp tư nhân có hiệu lực. Công ty tập chung vào khai thác thị trường bán lẻ – một lĩnh vực còn quá mới mẻ ở Việt Nam lúc bấy giờ. Nhớ lại những năm tháng đó, Phạm Đình Toàn chia sẻ: “Tôi khởi nghiệp vào năm 1993, khi cơ chế chính sách, môi trường kinh doanh mới hé mở cho kinh tế tư nhân. Nhưng vì có cơ hội đi học nước ngoài, nhìn thấy những gì doanh nhân thế giới lúc đó làm, nhất là trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, tôi nhìn thấy tương lai của mình….Tôi nghĩ rằng có rất nhiều cách để đạt được thành công, nhưng chúng tôi không muốn đi lại con đường của các bậc tiền nhân cho nên bắt đầu ở một lĩnh vực hoàn toàn mới. Cũng chính vì đi theo con đường mới, tôi và anh em đồng nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chính thế mà chúng tôi càng quyết tâm hơn. Phú Thái có ý nghĩa là phú quý và thái bình, luôn phấn đấu để đạt được những giá trị lớn cho cộng đồng”.
Ông Đoàn được coi là thế hệ khởi nghiệp thành công đầu tiên của Việt Nam. Số doanh nghiệp thành lập thời gian này còn tồn tại đến nay không nhiều, vì nhiều lý do, cả khách quan của môi trường kinh doanh chưa quen với hai từ tư nhân và cả chủ quan của những người đi kinh doanh phần lớn để “thoát nghèo”, để “nuôi gia đình”…
Chặng đường phát triển của Phú Thái, cũng như của doanh nhân Phạm Đình Đoàn hơn 20 năm qua nhằm đúng giai đoạn có thể nói là nhiều kịch tích nhất của nền kinh tế đang chuyển đổi của Việt Nam. Đó là sự bùng phát vào đầu những năm 2000, sự ồ ạt, dễ dàng những năm 2005 - 2007, rồi thoái trào vào 2008 và trì trệ vào những năm gần đây.
“Tôi là người được học và chịu học, nên có thể có thói quen tính kỹ trước khi làm. Cũng từng nói với một vài anh là nên dừng lại khi những quả bong bóng thị trường quá lớn, hay khi nội lực kinh doanh lại là quan hệ. Nhưng giờ, tôi đang chứng kiến doanh nghiệp của họ lao đao, chứng kiến họ đối mặt với những khoản nợ mà không thể chia sẻ được. Buồn và trăn trở lắm”, ông tâm sự.
Có thể nói, ông Đoàn là một trong số ít doanh nhân học nhiều. Ông đang theo học tiến sỹ kinh tế ở nước ngoài.
Vào những năm 2006 - 2008, khi cả xã hội đổ vào chứng khoán, bất động sản, ông Đoàn đi xây dựng hệ thống. Năm 2007, ông cùng với 3 ông lớn trong ngành phân phối, bán lẻ là Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hệ thống phân phối Việt Nam (VDA) trong chiến lược… bó đũa, cách đối mặt với các đại gia bán lẻ nước ngoài khi thị trường bán lẻ Việt Nam mở cửa vào năm 2009 theo cam kết với WTO.
Khi đó, ông Đoàn đang ở vị trí phụ trách các vấn đề chính sách của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Ông miệt mài nghiên cứu, tổ chức hội thảo, lên kế hoạch thành lập những tập đoàn tư nhân, trong đó phân phối sẽ thí điểm đi đầu.
Những buổi hội thảo, những cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao cũng có kết luận này nọ, rồi mọi việc rơi vào dĩ vàng. Ngay cả VDA ra mắt rầm rộ giờ cũng âm thầm lặng tiếng.
“Môi trường kinh doanh vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Cách tốt nhất vẫn là học và chuẩn bị các điều kiện để chơi được với những doanh nghiệp, doanh nhân của thế giới”, ông nói.
Doanh nhân Phạm Đình Đoàn hiện đang ở tuổi đỉnh cao của một vòng đời với một sự nghiệp đáng nể. Ông Phạm Đình Đoàn đang là Chủ tịch của Tập đoàn Phú Thái, một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ. Tập đoàn Phú Thái đang là công ty mẹ của vài chục công ty con, trong 5 lĩnh vực gồm phân phối, bán lẻ, logistics, công nghiệp, thời trang, thuốc thú ý và đầu tư xây dựng hạ tầng bất động sản và bất động sản thương mại (hệ thống siêu thị, kho vận và trung tâm phân phối…). Có những công ty ông Đoàn thuê tổng giám đốc là người nước ngoài như PhuthaiCat - nhà phân phối và đại lý chính thức duy nhất của Caterpillar, tập đoàn sản xuất máy xây dựng, thiết bị khai mỏ, động cơ công nghiệp lớn nhất thế giới…
TH