e magazine
01/10/2024 15:48
Thạc sĩ Phạm Thị Lý: Người truyền ngọn lửa đam mê cho ngành nông nghiệp

Hành trình cống hiến của nhà khoa học vì nông dân

Thạc sĩ Phạm Thị Lý, Chủ tịch Hội đồng sáng lập và Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE), thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Các phát minh và giải pháp của bà cùng đội ngũ đã cách mạng hóa phương pháp quản lý, sản xuất và bảo vệ thương hiệu, được nhiều ngành áp dụng rộng rãi. Bà cũng là một nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chuyển đổi số quốc gia, bảo vệ môi trường và phát triển nền nông nghiệp sạch. Tháng 9 năm 2024, bà Lý vinh dự được Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông”.

Thạc sĩ Phạm Thị Lý, Chủ tịch Hội đồng sáng lập và Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE), người có những đóng góp to lớn cho sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

CHÂN DUNG DUNG NGƯỜI PHỤ NỮ LUÔN ĐỒNG HÀNH CÙNG NÔNG DÂN

Sinh ngày 23/5/1968 tại Việt Hùng, Đông Anh, Hà Nội, bà Phạm Thị Lý mang trong mình nhiệt huyết và tài năng của một người phụ nữ tận tâm với nông dân và đam mê nông nghiệp. Với kinh nghiệm dày dạn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà đã nghiên cứu và phát triển "Quy trình xác thực chống giả", giúp quản lý chuỗi cung ứng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bà cũng là người sáng lập CheckVN, nền tảng công nghệ chuyển đổi số đầu tiên của Việt Nam, kết nối nông dân với quản lý và người tiêu dùng.

Sự cống hiến của bà đã tạo ra ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng nông dân và toàn ngành nông nghiệp. Nhờ thành công của CheckVN, Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) đã trở thành tổ chức tiên phong trong đổi mới quản lý và sản xuất nông nghiệp. Công nghệ CheckVN, được sự hỗ trợ của cộng đồng và nhiều ngành, đã trở thành công cụ mạnh mẽ giúp tăng cường quản trị sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

CheckVN đã được ứng dụng xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc của 12 tỉnh thành và nhiều tổ chức nghề nghiệp quốc gia. Năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cho thí điểm ứng dụng và chính thức áp dụng CheckVN xây dựng Hệ thống Truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại địa chỉ Checkvn.mard.gov.vn từ năm 2021 đến nay.

CheckVN không chỉ giúp nông dân minh bạch thông tin nguồn gốc hàng hóa, khẳng định chất lượng sản phẩm, mà còn xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng. Được chuẩn hóa theo TCVN và tiêu chuẩn GS1, CheckVN đã kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia, tuân thủ Thông tư 02/2024/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ. Nhờ đó, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có cơ hội gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế hàng Việt trên thị trường quốc tế.

Bà Phạm Thị Lý không chỉ phát triển công nghệ CheckVN mà còn tích cực khuyến khích áp dụng công nghệ hiện đại để tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm giá thành đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng. Nhận thấy sự cô lập của nông dân trước áp lực hội nhập và ô nhiễm môi trường, bà cùng các cộng sự đã sáng chế “Chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải hữu cơ trong chăn nuôi”, tên thương mại là VBIO đa năng. Năm 2017, bà đề xuất “Giải pháp hữu cơ vi sinh” bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp sạch, triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và xây dựng mô hình thí điểm Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ Tiên Dương.

Qua những hoạt động này, bà Lý và Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển đang đồng hành cùng ngành nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững với trách nhiệm xã hội. Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ Tiên Dương đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế cho VBIO, xây dựng chuỗi liên kết 5 nhà (quản lý, sản xuất, khoa học, phân phối, tiêu dùng). CheckVN trở thành giải pháp công nghệ số giúp quản trị sản xuất, chứng minh nhật ký đồng ruộng và theo dõi luồng di chuyển sản phẩm, trong khi VBIO xử lý chất thải hữu cơ thành phân bón, bảo vệ môi trường và giảm ô nhiễm.

Khi áp dụng mô hình này, uy tín và thương hiệu của nhà sản xuất được nâng cao; giá bán tăng, chi phí đầu vào giảm, giúp nông dân tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại. Chất lượng sản phẩm cải thiện rõ rệt, đồng thời giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, cải thiện sức khỏe đất và bảo vệ nguồn nước ngầm. Nhờ những nỗ lực không ngừng của bà Lý và các cộng sự, định kiến về "con đường ngắn nhất từ dạ dày tới nghĩa địa" dần được gỡ bỏ, mang lại cho nông dân cơ hội tiếp cận phương pháp sản xuất tiên tiến, từ đó nâng cao đời sống và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.

NGƯỜI TRUYỀN LỬA ĐAM MÊ CHO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Với tầm nhìn sâu sắc và khát vọng mạnh mẽ, bà Phạm Thị Lý luôn kêu gọi đội ngũ trí thức trẻ tham gia nghiên cứu và phát triển giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bà nhận thức rằng, chỉ có đổi mới và sáng tạo mới giúp hàng hóa Việt đứng vững và phát triển. Từ năm 2015, bà đã phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam triển khai những giải pháp quan trọng trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Những nỗ lực này không chỉ nâng cao vị thế hàng Việt trong lòng người tiêu dùng mà còn thúc đẩy tinh thần tự hào dân tộc.

Các thành tựu mà bà cùng Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) đạt được đã được ghi nhận qua nhiều bằng khen từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, huyện Đông Anh và UBND xã Tiên Dương. Những giải pháp bà đề xuất đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp và nông dân, khẳng định vai trò quan trọng của nhà khoa học trong sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Dưới sự dẫn dắt của bà, sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ Tiên Dương đã được công nhận là Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam 2018 và đạt danh hiệu OCOP 4 sao, ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người tiêu dùng.

Bà Phạm Thị Lý không chỉ là một nhà nghiên cứu hay một người hoạt động cộng đồng; bà còn là một người bạn đồng hành thân thiết của nông dân. Sự gắn bó của bà với họ không chỉ thể hiện qua những dự án nghiên cứu mà còn trong những hoạt động thực tiễn, nơi bà trực tiếp tham gia và hỗ trợ họ trong sản xuất. Bà đã thực sự trở thành một nông dân trong tâm hồn và hành động, luôn lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn mà họ phải đối mặt.

Nỗ lực không ngừng của bà Lý đã tạo ra một di sản quý giá cho nông dân và nông nghiệp Việt Nam. Các công trình nghiên cứu của bà cùng cộng sự không chỉ cải thiện chất lượng sản phẩm nông nghiệp và thúc đẩy phương pháp sản xuất bền vững, mà còn tạo ra nền tảng công nghệ do người Việt phát minh, giúp quản lý sản xuất và cơ sở dữ liệu nông nghiệp tại Việt Nam. Bà Lý tin rằng, mỗi hạt giống đều mang trong mình tiềm năng lớn lao, và mỗi nông dân có thể trở thành nhà sản xuất xuất sắc nếu được trang bị kiến thức và công nghệ phù hợp.

Bà đã chứng minh rằng, để phát triển bền vững, ngành nông nghiệp Việt Nam cần kết hợp chặt chẽ giữa khoa học công nghệ và cộng đồng nông dân. Hành trình của bà là nguồn cảm hứng cho tất cả những ai yêu nông nghiệp, kêu gọi mọi người cùng nhau xây dựng một tương lai tươi sáng, nơi nông dân không chỉ là người sản xuất mà còn là những người mang lại giá trị cho xã hội. Sự cống hiến và tâm huyết của bà sẽ mãi là ngọn lửa truyền đam mê cho những người yêu nông nghiệp Việt Nam.

Thực hiện: Phan Chính

Nghệ Nhân