e magazine
01/02/2025 06:00
Công nghiệp văn hóa tạo đà cho phát triển kinh tế

Trên thế giới, cụm từ “công nghiệp văn hóa” từ lâu đã trở nên quen thuộc, là một nhân tố quan trọng của nền kinh tế và đóng góp to lớn vào tăng trưởng chung của mỗi quốc gia. Thậm chí ở một số nước, công nghiệp văn hóa còn trở thành một ngành hái ra tiền, mang về nguồn ngoại tệ lớn khi xuất khẩu các sản phẩm văn hóa sang các nước khác. Dù khái niệm công nghiệp văn hóa ở Việt Nam xuất hiện chưa lâu nhưng với những chính sách mở cửa, rộng đường cho văn hóa trong những năm gần đây, chúng ta đang chứng kiến nhiều đổi thay ngoạn mục trong toàn bộ đời sống sinh hoạt và sáng tạo văn hóa. Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tầm nhìn 2030 của Thủ tướng Chính phủ xem công nghiệp văn hóa là mục tiêu ưu tiên hàng đầu, một ngành công nghiệp mũi nhọn đóng góp đáng kể vào GDP của đất nước.

*****

XU HƯỚNG CHUNG

“Công nghiệp văn hóa” theo định nghĩa của Tổ chức UNESCO, là một ngành công nghiệp kết hợp 3 yếu tố bao gồm: Sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại có thể tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa trên thị trường, mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế. Nếu trước đây, ở không ít quốc gia, văn hóa thường được coi như một thứ “vũ khí tư tưởng”, là ngành “tiêu tiền” là chính, thì hiện nay, văn hóa đã trở thành một ngành “hái ra tiền”, thậm chí còn vượt xa nhiều ngành công nghiệp khác.

Xu hướng chung trong hội nhập quốc tế ngày nay, nhiều quốc gia đều tập trung ưu tiên cho phát triển công nghiệp văn hóa. Ví dụ ở nước Anh, công nghiệp văn hóa đóng góp 5% GDP, chiếm 10-15% thị phần công nghiệp văn hóa thế giới. Nước Mỹ mỗi năm xuất siêu khoảng trên dưới 30 tỷ USD các hàng hóa và dịch vụ nghệ thuật văn hóa, bản quyền phim ảnh, chương trình truyền hình, trò chơi điện tử... Tại châu Á, Trung Quốc đang cạnh tranh trực tiếp với Mỹ để trở thành cường quốc có ngành công nghiệp văn hóa lớn nhất hành tinh. Hàn Quốc là quốc gia rất thành công trong phát triển công nghiệp văn hóa. Các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc như điện ảnh, âm nhạc đang tạo sức hút mạnh mẽ trên toàn cầu. Làn sóng Văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) từng ngày lan tỏa khắp thế giới thông qua các bộ phim truyền hình, các ban nhạc K-pop đình đám. Các món ăn truyền thống của Hàn Quốc cũng đã trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia như Kim chi, rong biển... ngoài ra, các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm và du lịch. Thái Lan - quốc gia lấy ẩm thực là trọng tâm của công nghiệp văn hóa đã và đang có doanh thu lớn từ ngành chế biến thực phẩm với hơn 20% GDP quốc gia hàng năm, đồng thời xuất khẩu thực phẩm ra thế giới với doanh thu khổng lồ.

Công nghiệp văn hóa tạo đà cho phát triển kinh tế

Quay về câu chuyện công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, chúng ta thấy rằng, khi bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, Chính phủ đã sớm nhận thức về tầm quan trọng của sản xuất, tiêu dùng văn hóa với danh nghĩa như các mặt hàng đặc biệt trong nền kinh tế. 12 ngành nghề chủ chốt được xác định trong Công nghiệp văn hóa là: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công, mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa,... Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tầm nhìn 2030 xác định mục tiêu cụ thể như sau: “Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7%GDP và tạo thêm nhiều việc làm vào năm 2030”.

Với những chính sách đầu tư hiệu quả, công nghiệp văn hóa Việt Nam dù còn nhiều bất cập nhưng trong vài ba năm trở lại đây đã vươn lên thành quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hóa. Đáng kể nhất là sự xuất hiện của các trung tâm công nghiệp văn hóa, các thành phố sáng tạo đã làm thay đổi cơ cấu vùng kinh tế. Chúng ta đã có 3 thành phố gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO gồm: Hà Nội, Đà Lạt, Hội An. Một số lễ hội âm nhạc quốc tế được tổ chức thường xuyên thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước như “Gió mùa”, “Hò dô”... Sự gia tăng nhanh chóng của các doanh nghiệp văn hóa, gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Đây là những tiền đề xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của Việt Nam, trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

CÔNG NGHIỆP VÀ SÁNG TẠO TRONG ĐIỀU KIỆN VIỆT NAM

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp văn hóa. Trước tiên, về địa lý và tài nguyên, chúng ta có nhiều cảnh quan, danh lam, thắng cảnh như Vườn Quốc gia Cúc Phương, Rừng quốc gia U Minh, Phong Nha - Kẻ Bàng, khu danh thắng Tràng An, Vịnh Hạ Long, các đảo Cô Tô, Phú Quốc, Côn Đảo, các vườn quốc gia và công viên địa chất cùng với hàng ngàn km bờ biển tuyệt đẹp và các bãi tắm thơ mộng là nguồn lực lớn để phát triển các loại hình du lịch. Ngoài vùng biển, còn là đồng bằng, vùng núi, trung du là những địa hình phong phú hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Về văn hóa, Việt Nam có một nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em, với nhiều lễ hội, di tích lịch sử... là nguồn chất liệu phong phú để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Việt Nam hiện có 14 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại bao gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và Đền Sóc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, nghi lễ và trò chơi kéo co, hát Xoan, hát Then của người Tày, Nùng, Thái, nghệ thuật xòe Thái, Bài chòi Trung bộ... Ngoài ra còn có hàng trăm làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống có thể kể tên như khảm trai Chuyên Mỹ (Hà Nội), gốm Phù Lãng (Bắc Ninh), gốm Thổ Hà (Bắc Giang), làng cói Kim Sơn (Ninh Bình), đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng), gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) làng dệt Bảy Hiền (TP. Hồ Chí Minh), lụa Tân Châu (An Giang)... Có thể nói, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã tạo nền tảng vững chắc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đây là nguồn lực “đầu vào” quan trọng, đóng vai trò như tư liệu sản xuất để tạo ra các sản phẩm văn hóa phục vụ thị trường.

Công nghiệp văn hóa tạo đà cho phát triển kinh tế

Tuy nhiên, để biến tất cả những thuận lợi trên trở thành một nền công nghiệp trong văn hóa, cần thực hiện đồng bộ nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là yếu tố công nghiệp và sáng tạo. Hai yếu tố này là nền tảng để kiến thiết một thị trường đa dạng mẫu mã sản phẩm, với số lượng đủ lớn phục vụ nhu cầu tiêu dùng, thưởng thức của người dân trong nước cũng như du khách quốc tế. Khi các sản phẩm văn hóa được làm ra, trao đổi, mua bán như một mặt hàng đặc biệt trên thị trường, biến thành một ngành kinh doanh hùng mạnh giàu tiềm năng, thì tính chất công nghiệp là sống còn. Năng lực sáng tạo của các cá nhân cần phải dựa trên các phương tiện công nghệ hiện đại thì mới mang lại năng suất và hiệu quả mong muốn.

Trong rất nhiều hội thảo về công nghiệp văn hóa, nhiều chuyên gia đánh giá, các ngành công nghiệp văn hóa có thể phát triển nhanh hơn công nghiệp chế tạo, bởi mức đầu tư không quá lớn, tập trung chủ yếu vào tính sáng tạo cá nhân và quảng bá sản phẩm, nhưng lại mang về giá trị kinh tế cao, hiệu quả lâu dài. Đặc biệt nhất là thị trường tiêu dùng văn hóa ít tính bão hòa, thậm chí càng tiêu dùng càng có thêm nhu cầu, càng sáng tạo càng tăng giá trị. Những sản phẩm công nghiệp văn hóa còn có khả năng tác động mạnh mẽ vào đời sống của cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng của người dân, nâng cao tri thức cho cộng đồng, mở rộng không gian văn hóa, nâng cao sức mạnh mềm quốc gia.

Công nghiệp văn hóa tạo đà cho phát triển kinh tế

Bên cạnh đó, phải thừa nhận, trong điều kiện nước ta hiện nay, công nghiệp văn hóa còn chưa xứng với tiềm năng vì sự đầu tư cho công nghệ và sáng tạo vẫn còn là một “điểm nghẽn” cần tháo gỡ. Theo đó, cần tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong tất cả các khâu từ sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ. Việc nâng cao hàm lượng khoa học - kỹ thuật trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm văn hóa là tối quan trọng. Bên cạnh việc đầu tư cho công nghệ, để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa cũng như tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm văn hóa thì phải tích cực hợp tác, học hỏi kinh nghiệm và tranh thủ công nghệ tiên tiến từ các nước có ngành công nghiệp phát triển.

ĐỘNG LỰC CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Đảng và Nhà nước ta đã thừa nhận công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế tạo ra của cải xã hội mới trong xã hội hiện đại. Ngay cả trong cơ cấu kinh tế thế giới hiện nay, tỷ trọng công nghiệp văn hóa ngày càng tăng, công nghiệp văn hóa trở thành ngành đi đầu trong việc mở rộng ngoại thương ở một số nước phát triển. Ngành công nghiệp văn hóa giúp mở rộng cơ cấu việc làm, là động lực trong tăng trưởng kinh tế quốc gia cũng như bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc. Từ tầm nhìn đó, chúng ta hoàn toàn nhận thức rằng, nền kinh tế tương lai sẽ là nền kinh tế văn hóa và cạnh tranh, xét đến cùng chính là cạnh tranh văn hóa. Từng quốc gia khi nhận thức đầy đủ, sâu sắc vấn đề này có thể hoạch định được tương lai của nền kinh tế, dựa trên những chính sách ưu việt cho phát triển công nghiệp văn hóa. Trong thế giới hội nhập hôm nay, kinh tế và văn hóa là hai yếu tố luôn song hành cùng nhau, khó có thể tách rời. Văn hóa hóa kinh tế và kinh tế hóa văn hóa mặc định đã trở thành xu thế chung ở rất nhiều quốc gia. Sức mạnh tổng thể của một quốc gia và khả năng phục hồi kinh tế của một quốc gia đang ngày càng phụ thuộc vào sức mạnh mềm của văn hóa quốc gia đó.

Công nghiệp văn hóa tạo đà cho phát triển kinh tế

Từ góc nhìn đó, có thể nói, việc đầu tư vào phát triển công nghiệp văn hóa trở thành một nhiệm vụ sống còn của nền kinh tế nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tầm nhìn 2030 của Chính phủ đã đặc biệt nhấn mạnh yếu tố kinh tế trong phát triển công nghiệp văn hóa. Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới, phát triển công nghiệp văn hóa phải dựa trên các quan điểm cơ bản sau: “Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, bản sắc, thống nhất trong đa dạng và dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường, xu thế của thời đại, từng bước tạo dựng thương hiệu mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, lựa chọn và triển khai một số chính sách có tính đột phá”.

Công nghiệp văn hóa tạo đà cho phát triển kinh tế

Năm 2024 được đánh giá là năm công nghiệp văn hóa đột phá với hàng loạt chương trình có tầm vóc, có sức hút mạnh mẽ với hiệu ứng xã hội lớn như Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”, chương trình “Jazz quốc tế lần thứ I”... Công nghiệp điện ảnh ghi dấu ấn với các đạo diễn ngàn tỷ như Trấn Thành, Lý Hải và một số bộ phim tạo tiếng vang trong nước và quốc tế. Đã có một sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của toàn xã hội về vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước. Văn hóa giờ đây đã thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, để đi đường dài và để phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng, cần có một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, từ các nhà quản lý, đến các doanh nghiệp, các nghệ sĩ sáng tạo và cộng đồng sử dụng, tiêu thụ sản phẩm. Các chính sách ưu tiên về thuế hay đầu tư cho sản xuất, biểu diễn, sáng tạo sẽ là nền tảng tạo động lực cho công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp đáng kể vào GDP của đất nước.

Công nghiệp văn hóa tạo đà cho phát triển kinh tế

Nội dung: Quỳnh Trang

Đồ họa: Hà Hương