Thời điểm mang tính bước ngoặt của ông Việt là vào lúc ông học Phổ thông trung học, một ông chú họ xa làm giám đốc một doanh nghiệp đến chơi nhà. Tướng tá phương phi, giọng nói sang sảng của người chú họ ấy in đậm trong đầu của anh học sinh cấp 3, để rồi đến khi đăng ký thi Đại học, mặc dù bố hướng theo học các trường quân đội như quân y, hoặc kỹ thuật quân sự, anh học sinh này quyết tâm theo học một trường kinh tế.
Năm 1997, ông Việt từ một người làm thuê, quyết định lập Công ty CP Thế Giới Số (Digiworld) kinh doanh riêng với 25.000 USD.
"Gia đình tôi không ai làm kinh doanh, nhưng cái turning-point ngày ấy tạo cho mình niềm đam mê với kinh doanh. Và khi đi làm theo đam mê sẽ không thấy mệt mỏi, cũng không có suy nghĩ chọn sai đường. Tôi biết lộ trình của mình rất rõ".
"Người giàu không bao giờ nghỉ hưu, mà chỉ chuyển từ hình thức làm việc này sang hình thức làm việc khác", ông Việt nói.
Câu chuyện mệt mỏi và sai đường ấy, ông được hỏi, sau khi nhìn lại "sự cố Nokia".
Cuối năm 2014, Nokia Việt Nam chính thức bán lại cho Microsoft như một phần trong thương vụ Microsoft mua mảng sản xuất điện thoại Nokia toàn cầu. Nokia cũng là nhãn hàng chủ lực của Digiworld, sau khi về tay chủ mới, đã bất ngờ thay đổi chiến lược trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Digiworld buộc phải chủ động giảm phụ thuộc vào Nokia/Microsoft và tái cơ cấu doanh thu bằng cách đa dạng hóa nhãn hàng phân phối. Đến năm 2016, Digiworld chính thức loại Nokia ra khỏi danh mục phân phối, đồng thời bổ sung 3 nhãn hàng mới là Intex, Motorola và Wiko. Nhưng kết quả không mấy khả quan.
Kết thúc năm 2016, doanh thu Digiworld đạt 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 66,7 tỷ đồng, giảm lần lượt 9,5% và 34,8% so với năm trước, đánh dấu năm thứ 2 lợi nhuận sụt giảm 2 con số kể từ khi "buông tay" với Nokia.
Nếu so với năm 2014, lợi nhuận sau thuế năm 2016 chỉ còn một nửa. Đây cũng là năm giá cổ phiếu DGW tụt xuống mức đáy - chỉ còn hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. "Giá cổ phiếu xuống thấp, động thái của Ban Giám đốc là gì?" luôn là câu hỏi thường trực cổ đông đặt ra mỗi kỳ đại hội.
"Tôi cảm thấy có lỗi với cổ đông. Lúc đưa ra kế hoạch kinh doanh thì chưa có tác động đó, nhưng yếu tố bất ngờ làm tăng trưởng suy giảm", ông Đoàn Hồng Việt tâm sự.
"Còn trục trặc trong kinh doanh thì không làm ảnh hưởng đến cả đại cuộc. Khi giá cổ phiếu DGW chạm đáy nó lại đi lên. Nhưng cổ đông thời điểm đó thiệt thòi nên mình thấy có lỗi".
Khi Nokia về tay chủ thứ 3 - HMD Global, Digiworld đã có màn "tái hợp" với thương hiệu điện thoại gắn liền với yếu tố "pin trâu", kỳ vọng phác lên tương lai xán lạn cho thương hiệu điện thoại từng nhiều năm ở ngôi vương.
"Năm 2017 vừa qua, DGW bắt đầu bước sang những lĩnh vực mới. Nhiệm vụ mới bao giờ cũng thách thức hơn những gì mình đã có trên thị trường như khách hàng, partners… Giá trị Love Challenges cũng được đẩy mạnh lên", ông Việt nói.
Nếu coi việc Digiworld bắt tay với Acer là lần startup đầu tiên của doanh nghiệp này với mảng laptop, thì việc bắt tay với Xiaomi trong ngành hàng điện thoại có thể gọi là lần startup thứ 2.
Xiaomi đã "lấp" được gần hết khoảng trống doanh thu và lợi nhuận Nokia bỏ lại cho Digiworld. Năm 2017, doanh thu và lợi nhuận của Digiworld tăng lần lượt 17,5% và vượt 42% kế hoạch lợi nhuận cả năm được ĐHĐCĐ thông qua.
Để dẫn dắt Digiworld lớn mạnh được như hiện tại, ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, ông Việt đã luôn duy trì chiến lược 3C khá bài bản, gồm cơ sở, con người và cơ hội. Trong đó, đối với cơ sở vật chất, Công ty chú trọng xây dựng hệ thống quy trình, công nghệ. Trong 5 năm qua, DGW đã tổ chức hoạt động hiệu quả 3 trung tâm kinh doanh tại các khu vực Bắc, Trung, Nam nhằm khai thác và mở rộng thị trường rộng khắp cả nước, với mạng lưới hơn 6.000 đại lý tại 63 tỉnh thành.
Ngoài ra, để cạnh tranh được trước đối thủ lớn, DGW xác định việc kinh doanh phải khác biệt. Ông Việt đánh giá, trong tương lai, các nhà sản xuất nhỏ sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với những nhà sản xuất lớn, vì vậy DGW hướng đến những đơn vị này để tạo sự khác biệt. Điều giúp cho ông Việt vững tin rằng, DGW có thể tạo ra sự khác biệt với những doanh nghiệp gạo cội cùng ngành, đó là năng lực làm marketing cho các nhãn hiệu mới, bởi rao bán hàng vốn là mấu chốt đưa sản phẩm vào thị trường...
TH