Doanh nghiệp và giải pháp “5T” để phục hồi

15:36 12/10/2021

Cùng với những chính sách hỗ trợ, sự nỗ lực vượt khó và bản lĩnh của chính cộng đồng doanh nghiệp đã duy trì hoạt động, phục hồi sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Chiều 11/10, tại Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội (Hanoisme) tổ chức tọa đàm trực tuyến: Doanh nghiệp Việt bản lĩnh, sáng tạo và trách nhiệm trước đại dịch.

Nói về khó khăn của doanh nghiệp thời gian qua, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho hay, doanh nghiệp đang chịu 3 áp lực lớn: Áp lực về phòng chống dich, áp lực về kinh tế và hệ lụy về tâm lý xã hội. Sau khủng hoảng dịch bệnh này, nhiều doanh nghiệp sẽ phải rời bỏ thị trường do không thể tiếp tục sản xuất kinh doanh. Điều đáng nói là ngay cả các doanh nghiệp duy trì hoạt động tại chỗ được cũng chỉ hoạt động được 10-15% công suất, ít doanh nghiệp hoạt động được công suất cao hơn vì không thể chịu nổi chi phí quá lớn.

Chính phủ cần thực hiện giải pháp “5T” để hỗ trợ doanh nghiệp
Chính phủ cần thực hiện giải pháp “5T” để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, chỉ tính riêng tháng 9/2021, 65,3% doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã ngừng hoạt động. Nhiều khách hàng hủy giữa chừng và rút đơn hàng đang sản xuất chuyển sang Trung Quốc và Indonesia, điều này đã làm các đơn hàng mùa mới 2022 đã bị tạm dừng hoặc giảm số lượng.

Tuy nhiên, với cái nhìn lạc quan hơn khi nền kinh tế đang dần mở cửa trở lại, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, tháng 10 sẽ là tháng “hồi sinh” của các doanh nghiệp. “Mở cửa chính là gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp “thở” được”, ông Lộc nhấn mạnh.

Vì thế, vị Chủ tịch VIAC cho rằng, Chính phủ cần thực hiện giải pháp “5T” để hỗ trợ doanh nghiệp. Thứ nhất là “Trợ thở”, thực chất là mở cửa một cách kiên định, nhanh chóng. Thứ hai là “Tiếp máu”, đây là biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội… Thứ ba là “Thúc đẩy” doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Thứ tư là cải cách “Thể chế”, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh. Thứ năm là “Tổ chức” các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối lại thị trường.

Đồng quan điểm, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hanoisme cho rằng, để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo an toàn chống dịch, Chính phủ và UBND TP Hà Nội cần đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc xin; tập trung tháo gỡ khó khăn cho những ngành, lĩnh vực mang tính “dẫn dắt”, đối tượng, khu vực đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, tạo lượng lớn việc làm cho người lao động, có tác động lan tỏa, lâu dài…

Hiện nhiều ngành đang gặp khó khăn, nên các chuyên gia cho rằng, cùng với sự hỗ trợ, các doanh nghiệp cũng phải chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình số, mô hình tự động.

Ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch Tập đoàn edX chia sẻ, chuyển đổi số hay thương mại điện tử chắc chắn không phải “lá bài” duy nhất cho các doanh nghiệp thích ứng thời dịch bệnh, nhưng là điều kiện cần thiết, không thể thiếu được đối với mọi doanh nghiệp, nếu muốn tồn tại. Doanh nghiệp muốn tồn tại, khi dịch bệnh kéo dài thì buộc phải có giải pháp thay đổi một cách đồng bộ trên mọi mặt trận, như tái cấu trúc chiến lược, xây dựng thương hiệu, quản trị doanh nghiệp, nhân sự online…

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, mở cửa trở lại thì các doanh nghiệp phải có kế hoạch để phục hồi nhanh, tìm thị trường và nguồn lao động. Doanh nghiệp cần xây dựng gói tài chính, trong đó xây dựng kế hoạch tài chính tổng thể, kế hoạch về thuế, nợ và phải gửi các cơ quan chức năng xem xét.

Theo TCHQ