Doanh nghiệp muốn điều chỉnh Nghị định 116
Ngay từ khi ban hành và chính thức có hiệu lực (1/1/2018), Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 đã gây ra tranh cãi của nhiều bên.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 ngày 4/7, vấn đề này lại được các doanh nghiệp tiếp tục đưa ra bàn luận, góp ý. Hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi một số quy định trong Nghị định 116 để doanh nghiệp có được thuận lợi trong việc kinh doanh.
ông Toru Kinoshita, Trưởng Nhóm công tác Ô tô và Xe máy của VBF (gồm các doanh nghiệp ô tô Nhật Bản, Mỹ, châu Âu), cũng là Tổng giám đốc Toyota Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA)
Cụ thể, ông Toru Kinoshita, Trưởng Nhóm công tác Ô tô và Xe máy của VBF (gồm các doanh nghiệp ô tô Nhật Bản, Mỹ, châu Âu), cũng là Tổng giám đốc Toyota Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đưa ra ý kiến, một vài quy định về thủ tục hành chính trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP và việc thực thi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về Lệ phí trước bạ hiện nay “đang tác động làm cho thị trường bất ổn” (như yêu cầu về chứng nhận VTA, chứng chỉ ECE cho linh kiện, phụ tùng nhập khẩu…).
Ông Toru Kinoshita dẫn dữ liệu của VAMA ho hay, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp ôtô ở Việt Nam giảm 31% từ khi Nghị định 116 có hiệu lực.
Cũng theo ông Toru Kinoshita, Chính phủ cần phải sửa đổi một vài điểm trong Nghị định 116 bởi nghị định này gần như đã ngừng toàn bộ việc kinh doanh xe nhập khẩu CBU của các nước phát triển (Nhật Bản, châu Âu,…) trong 6 tháng vừa qua. Nhiều đơn hàng xe nhập khẩu cho các tháng đầu năm 2018 đã phải hủy do không đáp ứng được các quy định của Nghị định 116 và Thông tư 03.
Và điều này vô hình chung đã kéo theo rất nhiều ảnh hưởng khác: Việc làm, hoạt động kinh doanh tại các đại lý của những hãng xe. Khách hàng phải chờ đợi lâu hơn để có xe do thiếu nguồn cung từ đầu năm. Bất ổn này xảy ra với cả doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu, sản xuất và lắp ráp trong nước.
Bên cạnh đó, tính hồi tố của Thông tư 03 hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 116 đã ảnh hưởng cả đến doanh nghiệp FDI và các công ty sản xuất, lắp ráp xe ở Việt nam, khiến họ không có đủ thời gian để chuẩn bị, hoàn thiện các giấy tờ theo yêu cầu. Sản lượng và lô hàng đã ký kết trong 6 tháng đầu năm bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham), từ tháng 1 – 4/2018 cho thấy, không có một xe nhập khẩu nào có nguồn gốc từ châu Âu.
Hiệp hội Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) lo ngại rằng, yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu trong Nghị định 116 và Thông tư 03 đang trái với cam kết tự do hóa thương mại giữa Việt Nam và châu Âu (EV-FTA). Hiệp định EV-FTA được ký kết ghi rõ việc chấp nhận chứng nhận đối với xe nhập khẩu, phụ tùng linh kiện mà không cần phải kiểm tra hay kiểm tra lại.
Dựa trên những ý kiến chung đó, ông Kinoshita nhấn mạnh: "Chúng tôi đề nghị Chính phủ cân nhắc việc xóa bỏ yêu cầu về chứng chỉ VTA của nước ngoài đối với xe nhập khẩu”.
Không có chiếc xe nào xuất xứ từ châu Âu được nhập về do vướng quy định mới về giấy chứng nhận kiểu loại VTA.
Bên cạnh đó, theo nhóm công tác Ô tô và Xe máy, các doanh nghiệp ô tô hiện nay không thể tuân thủ được quy định này do gánh nặng của việc cùng một kiểu loại xe nhập khẩu mà vẫn bị thử nghiệm lại nhiều lần về khí thải và an toàn theo từng lô hàng nhập khẩu.
Eurocham cũng đề xuất, Bộ giao thông vận tải và Cục đăng kiểm Việt Nam cần bổ sung quy định chỉ thử nghiệm khí thải và an toàn cho lô hàng đầu tiên của các mẫu xe mới và không nên lặp lại cho các lô xe cùng chủng loại tiếp theo như quy định trước đó. Cùng với đó, yêu cầu thử nghiệm theo từng lô chỉ nên duy trì với các mẫu xe cơ sở nếu như có nghi ngờ nghiêm trọng về gian lận…
Trong khi đó, Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) cho rằng, Nghị định 116 đang tạo ra những rào cản kỹ thuật không mong muốn, gây khó xuất khẩu ô tô từ Mỹ vào Việt Nam.
Kiểm định theo lô là bảo vệ người tiêu dùng
Phản hồi về những yêu cầu trong Nghị định 116, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công khẳng định, việc kiểm tra thử nghiệm theo lô nhằm kiểm tra chặt chẽ chất lượng ô tô nhập khẩu, đồng thời, bảo vệ người tiêu dùng và tạo sự bình đẳng trong quản lý chất lượng với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công (Ảnh: Báo Giao thông)
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công lý giải, quy định buộc kiểm soát chất lượng khí thải, hay kiểm nghiệm theo lô... sẽ tránh tạo ra kẽ hở lớn để các đơn vị nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng so với lô hàng đã thử nghiệm đạt chất lượng ở lần đầu, tiềm ẩn nguy cơ gian lận về chất lượng, tránh các bước kiểm tra của cơ quan chức năng, dẫn đến chất lượng của các xe nhập khẩu không được kiểm soát chặt chẽ và quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công dẫn lại trường hợp Công ty Ford Việt Nam, nhập về Việt Nam 4 kiểu loại xe khác nhau và khi tiến hành kiểm tra khí thải từng lô theo quy định thì chỉ có một nửa đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4. Do đó, buộc phải tái xuất ra trở lại theo quy định tại Nghị định 116.
Văn phòng Chính phủ cũng vừa có văn bản truyền ý kiến, kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp đánh giá thực hiện Nghị định 116. Phó Thủ tướng khẳng định quan điểm của Chính phủ, khuyến khích sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, tạo ra các sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và ngăn chặn các sản phẩm nhập khẩu kém chất lượng...
Phó Thủ tướng nêu rõ, cần khẩn trương sửa đổi, ban hành Thông tư hướng dẫn khoản 1 Điều 6 của Nghị định 116 quy định về quản lý chất lượng ô tô sản xuất lắp ráp, đảm bảo ban hành trong tháng 10/2018 để các doanh nghiệp có đủ thời gian thực hiện sản xuất ô tô theo quy định mới. Nội dung quy định phải phù hợp với thực tiễn, đơn giản hóa các điều kiện cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ và tỷ lệ nội địa hóa của ô tô trong nội khối ASEAN khi nhập khẩu vào Việt Nam để được hưởng ưu đãi về thuế theo cam kết.
Trần Ngọc - Gia Linh