Doanh nghiệp kiến nghị chỉ nên một đầu mối kiểm tra xuất nhập khẩu hàng hóa

05:59 15/03/2023

Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp dẫn thông lệ quốc tế, bao gồm các nước trong khu vực ASEAN cho thấy, “hầu hết chỉ có cơ quan hải quan làm đầu mối quy định thông quan”.

Ảnh minh họa
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA).

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang đối mặt với nhiều khó khăn lớn, theo thống kê của VCCI. Khó khăn đó không chỉ là thiếu hụt kho lạnh với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, chi phí cảng biển cao, lãi suất cao khiến doanh nghiệp thiếu vốn, mà còn bởi chính các thủ tục hành chính - dù đã được cơ quan quản lý nỗ lực cải cách thời gian qua.

Khó khăn của doanh nghiệp xuất nhập khẩu được VCCI tổng hợp trong một nghiên cứu mới đây bằng những con số cụ thể. Theo đó, có 38% doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính xuất nhập khẩu. 24% doanh nghiệp phản ánh tình trạng quy định hoặc chính sách pháp luật thay đổi thường xuyên gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh…

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Lê Duy Hiệp thừa nhận, thủ tục hải quan đang rất nhiêu khê. Theo đó, để thông quan lô hàng, cùng với việc đáp ứng yêu cầu thủ tục của cơ quan hải quan, nhiều lô hàng còn phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành. Có những sản phẩm nông sản phải áp dụng cùng lúc theo thủ tục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, thậm chí cả Bộ Khoa học và Công nghệ… Có thủ tục làm ngay tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng có thủ tục doanh nghiệp phải bay ra Hà Nội để hoàn thiện hồ sơ chứng từ. Thậm chí, có lô hàng doanh nghiệp phải mất cả tháng trời để xin giấy phép thông quan. Chi phí đi lại, tiêu tốn giấy tờ số tiền không hề nhỏ.

Với mỗi lô hàng xuất khẩu, việc nhanh một ngày không chỉ là bài toán chi phí, mà còn là chất lượng sản phẩm, là uy tín của doanh nghiệp, là lợi thế cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực. Do vậy, cải cách kiểm tra chuyên ngành tới đây cần thay đổi mạnh mẽ hơn, theo hướng giảm đầu mối, tập trung về một đầu mối có tiêu chuẩn, quy định rõ ràng, Nhà nước phát huy vai trò giám sát. Đó chính là chuyển trọng tâm quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Các bộ, ngành cần ngồi lại với nhau để có người điều phối, bảo đảm tất cả trình tự, thủ tục trong xuất nhập khẩu được tối ưu hóa, rút ngắn. Về dài hạn, phải có hạ tầng logistics tổng thể để nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. 

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) mong muốn có thể giảm chi phí tuân thủ hành chính của doanh nghiệp vì doanh nghiệp hiện nay đang gánh rất lớn chi phí này, chưa kể là những chi phí hải quan. 

Đồng thời, giảm bớt việc kiểm tra chuyên ngành và đề xuất đầu mối cuối cùng của việc chấp thuận thông quan là cơ quan hải quan. Bởi hiện nay việc kiểm tra chuyên ngành liên quan nhiều bộ, cơ quan liên quan làm doanh nghiệp rất vất vả, ông Hiệp đề xuất.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Lê Duy Hiệp đề xuất “Việt Nam nên xem xét kinh nghiệm có thể lập ra một Ủy ban để cùng phối hợp, hoặc giao trách nhiệm chính thuộc về hải quan để rút ngắn thời gian, thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp”.

Thanh Thủy