Diễn đàn do bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và khởi nghiệp thuộc Đại học RMIT tổ chức thu hút sự tham gia đông đảo của những người hoạt động trong ngành, doanh nhân, học giả, chuyên gia và sinh viên Việt Nam.
Diễn giả phát biểu tại sự kiện là đại diện các doanh nghiệp kỹ thuật số và công ty khởi nghiệp hoạt động tại Việt Nam bao gồm ứng dụng giao đồ ăn BAEMIN của Hàn Quốc, ứng dụng học tiếng Anh ELSA Speak, ứng dụng sách nói tiếng Việt Fonos và trò chơi board game thủ công Maztermind.
Ông Jinwoo (Chris) Song, Tổng Giám đốc Woowa Brothers Việt Nam (BAEMIN) đã chia sẻ cách công nghệ và kỹ thuật số giúp công ty ông và các đối tác kinh doanh ăn uống phục hồi cũng như phát triển ra sao trong và sau đại dịch COVID-19.
Ông Song cho biết: “Là nhà điều hành nền tảng giao đồ ăn, công nghệ đã mang lại cho chúng tôi cơ hội tiếp cận khách hàng tiềm năng, giảm chi phí cố định, thông hiểu khách hàng và tối ưu hóa hoạt động vận hành, đồng thời cải thiện tốc độ và chất lượng của dịch vụ giao hàng thông qua mạng lưới người giao hàng”.
“Tôi dự đoán rằng năng lực xây dựng nền tảng độc đáo và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, kết hợp với khả năng phân tích dữ liệu kỹ thuật số từ nhiều nguồn khác nhau sẽ quyết định ai là người chiến thắng trong thị trường mới nổi này”.
Trong khi đó, nhà sáng lập Maztermind Việt Nam- ông Toàn Nguyễn tin rằng, có dư địa rất lớn để tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Theo số liệu của Amazon, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam bán hàng trên nền tảng quốc tế này đã tăng 48% trong năm 2020 và 2021”, ông Toàn cho hay.
Ông Toàn nói: “Marketing trên mạng xã hội ngày càng phát triển, lựa chọn thanh toán kỹ thuật số linh hoạt, khả năng truy cập dễ dàng vào các nền tảng bán hàng trực tuyến quốc tế cho cả người bán và người mua, và năng lực vận chuyển xuyên biên giới là những yếu tố chính tác động đến khả năng tiếp cận người tiêu dùng quốc tế của thương hiệu trong nước”.
Bà Nguyễn Minh Xuân, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Fonos nhấn mạnh vào tiêu chuẩn quốc tế mà mỗi công ty khởi nghiệp cần cân nhắc khi bắt đầu kinh doanh trong thế giới toàn cầu.
“Khi một công ty khởi nghiệp bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam, họ nên nghĩ đến khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế vì khách hàng sẽ so sánh sản phẩm trong nước với thương hiệu tương tự mà họ từng trải nghiệm. Họ không xác định dựa trên vị trí địa lý mà trên kinh nghiệm của bản thân”, bà Xuân nói.
Bà cũng đề cập đến sự khác biệt trong việc thu thập hiểu biết về khách hàng so với trước đây nhờ công nghệ và dữ liệu thông tin theo thời gian thực thông qua các cách khác nhau mà doanh nghiệp dùng để tương tác với khách hàng.
Bà Natalie Đỗ, Giám đốc cấp cao về phát triển toàn cầu của Tập đoàn ELSA, cho biết thêm rằng, số lượng các công ty khởi nghiệp kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động kinh doanh đang gia tăng tại Việt Nam. Tiềm năng ở đây là rất lớn và sẽ góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khỏe mạnh cho các công ty khởi nghiệp công nghệ.
Phát biểu tổng kết diễn đàn, Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị Đại học RMIT Phó Giáo sư Nguyễn Quang Trung cho biết, trở thành một doanh nhân thực thụ đồng nghĩa với việc tạo ra các giá trị thông qua đổi mới và sáng tạo.
“Số hóa và chuyển đổi thông minh đang giúp chúng ta tiếp cận dễ dàng hơn với khách hàng, nhà cung cấp và các bên liên quan khác trên thị trường. Tuy nhiên, một doanh nhân thông minh thực sự sẽ luôn tìm hiểu bối cảnh địa phương để phát triển và áp dụng các nền tảng và ứng dụng tốt nhất nhằm cải thiện trải nghiệm khách hàng – như những gì chúng ta chứng kiến từ trải nghiệm và hành trình khởi nghiệp của các diễn giả tại sự kiện hôm nay”, Phó Giáo sư Trung kết luận.
PV