Doanh nghiệp địa ốc không thể vay vốn do thị trường đang giảm giá

10:10 19/10/2023

Các doanh nghiệp địa ốc không thể vay vốn do thị trường bất động sản đang giảm giá. Vậy nên, họ không có nhu cầu vay vốn do lượng tồn kho không được cải thiện, vì lo ngại càng vay càng lỗ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo mới nhất của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (Vars), Chính phủ, các bộ ngành cùng các bên liên quan sẽ tiếp tục mạnh tay hơn trong các động thái nhằm giúp thị trường nhanh chóng trở về “trạng thái bình thường mới”, bằng cách ban hành các cơ chế, chính sách theo hướng chi tiết và cụ thể hơn, “đánh thẳng” vào các vấn đề của thị trường.

Trong đó, các bộ Luật liên quan đến thị trường bất động sản sửa đổi dự kiến thông qua vào tháng 10 với những nội dung quan trọng liên quan đến các vấn đề pháp lý của dự án chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của thị trường. Tuy nhiên, cần thời gian cho đến khi chính thức có hiệu lực.

Đặc biệt, gói tín dụng 120 nghìn tỉ được đẩy mạnh tốc độ giải ngân cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đến cuối năm, sẽ có thêm khoảng 50 dự án và hàng nghìn người dân được tiếp cận gói tín dụng này.

Tuy nhiên, theo Vars, thời gian qua ngân hàng Nhà nước tiếp tục phấn đấu thực hiện chủ trương giảm mặt bằng lãi suất. Lãi suất cho vay đã liên tục giảm mạnh, góp phần kích thích nhu cầu mua nhà, nhu cầu đầu tư của người dân

Cũng theo báo cáo của Vars, tính đến cuối tháng 8/2023, tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam mới chỉ tăng 5,3% so với thời điểm đầu năm, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 9,9% của cùng kỳ năm ngoái, cũng như còn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng 14% cho cả năm 2023.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp bất động sản không thể vay vốn do bất động sản đang giảm giá; không có nhu cầu vay vốn do tồn kho không được cải thiện, lo ngại càng vay càng lỗ,...

Ảnh minh họa
 PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính 

Bình luận về vấn đề này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho hay, từ thời điểm năm 2020, nhiều nhà đầu tư “cắt lãi” trên thị trường chứng khoán chuyển sang đầu tư vào thị trường bất động sản. Điều này tạo ra một nguồn vốn lớn dồn vào địa ốc, trong khi cung vẫn đứng im mà cầu tăng mạnh hơn, làm cho giá bất động sản tăng mạnh. Chưa dừng ở đó, lượng lớn nhà đầu tư lại cắt lãi ở thị trường bất động sản quay lại đầu tư chứng khoán, tạo ra các làn sóng ở cả hai thị trường. Và thời điểm đó, cả hai thị trường này đều căng thẳng. Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo rằng những hành động đó của các nhà đầu tư sẽ hình thành nên bong bóng bất động sản và Nhà nước phải có những biện pháp để xử lý.

Ông Thịnh cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản muốn huy động được nhiều vốn bằng phát hành trái phiếu cũng trở nên khó khăn hơn khi thị trường tài chính rơi vào tình trạng trầm lắng do hoạt động chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp và những vụ việc tiêu cực liên tục được phát hiện.

Theo ông này, để doanh nghiệp có thể vay vốn tại ngân hàng cũng là điều không hề dễ dàng do nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay. Chưa kể, có những doanh nghiệp bất động sản đồng loạt triển khai 5 - 10 dự án, thậm chí, triển khai đến 50 dự án cùng một lúc.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, những khó khăn về nguồn vốn ngày càng lớn và dẫn tới nợ xấu tăng nhanh. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nợ xấu gia tăng cũng đã phản ánh chân thực sức khoẻ của doanh nghiệp bất động sản.

Nghệ Nhân