![]() |
Khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh |
Nhận thức được vai trò của ngành Ngân hàng trong việc thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực xanh, thân thiện với môi trường, các ngành sản xuất carbon thấp. NHNN ban hành hàng loạt chính sách, văn bản hướng dẫn nhằm khuyến khích tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai tín dụng xanh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để xây dựng danh mục 12 lĩnh vực xanh ưu tiên.
Bám sát chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã triển khai khá toàn diện các hoạt động về tín dụng xanh: nghiên cứu, phát triển các sản phẩm tín dụng xanh cho từng ngành/lĩnh vực; đa dạng hóa nguồn vốn đầu vào thông qua phát hành trái phiếu xanh, tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế. Đến nay, 100% các TCTD đã xây dựng quy định nội bộ quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Một số ngân hàng , chủ động nghiên cứu, cập nhật các tiêu chuẩn mới về tín dụng xanh, rủi ro về môi trường và xã hội, rủi ro về khí hậu, dần tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.
Tín dụng xanh chưa được như kỳ vọng do đâu?
Với nhiều nỗ lực, kết quả hoạt động tín dụng xanh của Ngành đã có sự tăng trưởng cả về quy mô và tốc độ. Theo số liệu của NHNN, đến 31/3/2025 đã có 58 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024. Tuy nhiên, so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế thì dư nợ tín dụng xanh còn khá khiếm tốn (chỉ chiếm 4,3%).
Thực tế, quá trình cấp tín dụng xanh của NHTM cũng như vấn đề tiếp cận được nguồn vốn này của doanh nghiệp cũng gặp những khó khăn, vướng mắc. Đến nay với việc chưa có danh mục phân loại xanh quốc gia, doanh nghiệp khó chứng minh được “tính xanh” của dự án đầu tư khi muốn tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh từ ngân hàng, trong khi các TCTD chưa có cơ sở kỹ thuật môi trường để nhận diện, thẩm định dự án xanh, quản lý hiệu quả khoản cấp tín dụng xanh.
Cụ thể, ở tầm vĩ mô, Việt Nam chưa có danh mục phân loại xanh quốc gia, chưa có các các sản phẩm tài chính xanh (sản phẩm tín dụng xanh, chứng khoán xanh) đặc thù/cụ thể; chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh (nhất là quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh…).
Phía các ngân hàng cho biết trong quá trình cấp tín dụng xanh cũng gặp những khó khăn. Việc đánh giá các dự án xanh đòi hỏi phải có hành lang pháp lý đầy đủ với các tiêu chí rõ ràng để xác định như thế nào là “xanh”. Định nghĩa và tiêu chí để xác định một dự án "xanh" hiện được các TCTD áp dụng chưa rõ ràng và đồng nhất, dẫn đến khó khăn trong quá trình xét duyệt.
Bên cạnh đó, việc thu thập dữ liệu chi tiết và công cụ đánh giá kỹ thuật đặc thù để xác định dự án có thực sự xanh hay không ở các ngân hàng vẫn còn thiếu. Ngoài ra, các quy định và chính sách về môi trường và tài chính xanh có thể thay đổi, tạo ra rủi ro pháp lý cho các dự án đã được cấp tín dụng. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về tài chính xanh tương đối phức tạp và đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng.
Hơn nữa, các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (có thể lên đến 20 năm), chi phí đầu tư lớn…, trong khi các nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn, trung hạn. Chưa kể, nhận thức của thị trường đối với ESG (là viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị) - bộ ba tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng), tài chính xanh và bền vững chưa cao và chưa đồng đều; nhiều công ty niêm yết chưa chủ động trong việc đưa ESG vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; việc phát hành cổ phiếu xanh hầu như chưa có và báo cáo phát triển bền vững còn hạn chế.
Tháo gỡ rào cản để mở đường cho tín dụng xanh
Nhận thức được tầm quan trọng của tín dụng ngân hàng với việc xanh hóa nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, thời gian tới, để thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh, NHNN cho biết sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tại Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia của ngành Ngân hàng, Đề án phát triển ngân hàng xanh. Trong đó, ưu tiên một số giải pháp trọng tâm như, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tín dụng, trong đó có tín dụng xanh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn để thực hiện các dự án xanh, bảo vệ môi trường; hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh. Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh huy động nguồn lực; tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý, tăng dần tỷ trọng vốn tín dụng cho các dự án xanh, mang lại lợi ích môi trường…
Tuy nhiên, để hỗ trợ tín dụng xanh phát triển mạnh mẽ đặc biệt là trong vấn đề phát triển các khu công nghiệp xanh, ngoài nỗ lực của ngành Ngân hàng, cần sự chung tay của rất nhiều bên liên quan. Các bộ, ngành liên quan cần phối hợp xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kĩ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển...) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh; cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh; sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, trong đó làm rõ vai trò tham gia của các định chế tài chính, các TCTD trong triển khai, thực hiện.
Về phía các doanh nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp xanh cũng cần minh bạch các tiêu chí môi trường; xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực lập hồ sơ, dự án đáp ứng tiêu chí tín dụng xanh và phối hợp, liên kết hiệu quả với các đơn vị tư vấn, ngân hàng và nhà đầu tư.
Để các cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng thực sự phát huy hiệu quả nhằm mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh, ở tầm vĩ mô, Việt Nam cần đẩy nhanh việc rà soát, tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lí. Chính phủ cần sớm ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; ban hành danh mục phân loại xanh làm cơ sở cho các TCTD có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.