Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành dệt may và da giày Việt Nam. Tuy nhiên, để duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cần tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại như EVFTA mà còn phải nhanh chóng thích nghi với các tiêu chuẩn khắt khe về phát triển bền vững và sản xuất xanh. Đây là nội dung trọng tâm được thảo luận tại tọa đàm do Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 19/12.
Phát biểu tại sự kiện, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết, EU là thị trường mang lại nhiều lợi thế nhờ các ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Tuy nhiên, các rào cản phi thuế quan, đặc biệt là tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về sản xuất xanh, đang đặt ra những thách thức lớn. Các quy định như giảm phát thải carbon, kiểm kê chuỗi cung ứng, và cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU đã nâng tiêu chuẩn tiếp cận thị trường lên mức cao hơn, đồng thời tạo ra nhiều nghĩa vụ giải trình phức tạp cho nhà sản xuất. Với phần lớn doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhóm quy mô nhỏ và siêu nhỏ, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn này gặp nhiều trở ngại, do hạn chế về công nghệ và nguồn vốn đầu tư cần thiết để chuyển đổi mô hình sản xuất.
![]() |
Ngành da giày hiện chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế xuất khẩu của Việt Nam. |
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, chia sẻ rằng, ngành da giày hiện chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế xuất khẩu của Việt Nam, với 95% sản lượng dành cho xuất khẩu. Đặc biệt, EU là thị trường lớn thứ hai của ngành, chiếm khoảng 26-28% thị phần, chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Các sản phẩm chủ yếu xuất khẩu vào EU gồm giày thể thao và giày mũ da. Nếu như trước đây, phát triển bền vững chỉ được xem là một lợi thế cạnh tranh thì hiện nay, nó đã trở thành yêu cầu bắt buộc, được luật hóa qua các chính sách như chống phá rừng, thẩm định chuỗi cung ứng, và thiết kế sinh thái. Tuy vậy, thông tin về các quy định này đến với doanh nghiệp vẫn còn hạn chế và thiếu hệ thống. Các doanh nghiệp thường nghe nói về các chính sách mới nhưng chưa hiểu rõ nội dung cụ thể hay lộ trình thực hiện, dẫn đến tình trạng bị động trong việc chuẩn bị.
Theo bà Xuân, để giúp doanh nghiệp đáp ứng tốt các yêu cầu mới, các cơ quan chính sách cần khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng thời hỗ trợ hiệp hội ngành hàng đào tạo và hướng dẫn doanh nghiệp cách thức tuân thủ các tiêu chuẩn. Ngoài ra, chi phí tuân thủ cao, trong khi không cải thiện trực tiếp chất lượng sản phẩm, đang tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Do đó, cần tinh gọn các thủ tục quản lý chuyên ngành để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, bà Xuân nhấn mạnh rằng, không nên đợi yêu cầu từ khách hàng mà cần chủ động chuyển đổi công nghệ, nâng cao chất lượng nhân lực, và tích cực chuyển đổi số để đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất xanh, qua đó tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm và thương hiệu.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may. |
Đối với ngành dệt may, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhấn mạnh rằng, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của ngành, nhưng cũng là thị trường có yêu cầu cao về chuyển đổi xanh. Các chính sách như Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn EU (CEAP), chiến lược dệt may bền vững và tuần hoàn (EUSSCT), cùng quy định thiết kế sinh thái (ESPR) đang đặt áp lực lớn lên các doanh nghiệp. Đồng thời, ngành dệt may trong nước cũng phải đối mặt với yêu cầu giảm phát thải, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 và gia tăng khả năng tự chủ nguyên phụ liệu để tận dụng các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do.
Bà Mai cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 9-10% mỗi năm, ngành dệt may cần thực hiện chuyển đổi kép gồm xanh hóa và số hóa. Điều này đòi hỏi cải thiện tính bền vững từ nguyên liệu, năng lượng, quy trình sản xuất đến thương mại, tiêu dùng và tái chế. Đồng thời, cần tập trung vào tự động hóa và tối ưu hóa để nâng cao năng suất và chất lượng. Tuy nhiên, để quá trình này đạt hiệu quả, doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ về nguồn vốn, nhân lực và thông tin dữ liệu để hoàn thiện chuỗi cung ứng cũng như chuyển đổi công nghệ đồng bộ.
Việc đáp ứng các yêu cầu mới từ EU không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để ngành dệt may và da giày Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Với sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng và nỗ lực đổi mới từ doanh nghiệp, các ngành này hoàn toàn có thể vượt qua khó khăn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và tiếp tục phát triển bền vững.