Doanh nghiệp đang suy yếu, chưa phục hồi đầy đủ sau đại dịch COVID-19

17:11 06/12/2022

Chia sẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường”, sáng 6/12, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, doanh nghiệp đang suy yếu, chưa phục hồi đầy đủ sau đại dịch COVID-19.

Đánh giá về bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước cũng như hành động của Nhà nước và doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, thách thức duy trì động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, bối cảnh quốc tế tác động đến kinh tế nước ta. Theo đó, khủng hoảng năng lượng, giá năng lượng tiếp tục ở mức cao và đứt gãy nguồn cung năng lượng. Đứt gãy cung ứng(do yếu kém nội tại), thiếu xăng dầu và giá xăng dầu vẫn ở mức cao; giá USD cao dẫn đến làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, khủng hoảng lương thực, đứt gãy nguồn cung và khan hiếm lương thực; giá lương thực, thực phẩm tăng cao. Đây có thể là cơ hội cho ngành nông nghiêp nước ta.Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục thực hiện chính sách zero covid lại tạo bất lợi không nhỏ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Nam.

Ảnh minh họa
Doanh nghiệp đang suy yếu, chưa phục hồi đầy đủ sau đại dịch COVID-19. 

“Mâu thuẫn cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng. Xung đột Nga – Ukraine tiếp tục kéo dài và leo thang; chia cắt châu Âu, cấm vận toàn diện và kéo dài, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng. Cạnh tranh chiến lược Trung -  Mỹ thành một đặc tính của thời đại. Bởi vậy, khả năng và mức độ tổn thương của việt nam bởi đối xử bất công của các cường quốc, bởi chính trị hoá các quan hệ kinh tế là rất lớn”, ông Cung nhấn mạnh.

Ông Cung cho biết, các động lực tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam đang suy giảm, đó là xuất khẩu suy giảm; nhu cầu tiêu dùng giảm; đầu tư FDI suy giảm; đầu tư tư nhân giảm; giải ngân đầu tư công vẫn tiếp tục chậm và gây hàng loạt bất lợi đối với hệ sinh thái doanh nghiệp xây dựng và ngành xây dựng. Bên cạnh đó, thị trường tài chính nhiễu động mạnh; niềm tin thị trường bị lung lay, thanh khoản thị trường suy giảm và ở mức thấp. Thị trường chứng khoán suy giảm mạnh và nhanh; nhà đầu tư thua lỗ lớn và tháo chạy khỏi thị trường. Thị trường đang có nguy cơ gây bất ổn xã hội cục bộ.

Ảnh minh họa
Doanh nghiệp đang suy yếu, chưa phục hồi đầy đủ sau đại dịch COVID-19. 

“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị dứt gãy, có phần hoảng loạn. Tín dụng “khô cạn” và việc huy động vốn qua tất cả các kênh thị trường trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp đói vốn, tiếp cận vốn khó, thậm chí là không thể, dù chấp nhận chi phí vốn cao. Thị trường bất động sản chuyển nhanh từ nóng sang lạnh và thậm chí đóng băng cục bộ.

Hệ thống tổ chức tín dụng vừa hồi phục sau khủng hoảng 2009-2012 thì nay đang bị lung lắc mạnh, nợ xấu gia tăng. Có thể nói, thành quả của 10 năm hồi phục, xử lý nợ xấu có nguy cơ bị hao mòn nghiêm trọng. Đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang ngày càng trở nên khó khăn hơn, thậm chí khó khăn hơn 10 năm trước (2010-2012). Doanh nghiệp đang suy yếu, chưa phục hồi đầy đủ sau đại dịch COVID-19”, ông Cung lo ngại.

Lý giải về sự lo ngại này, nguyên Viện trưởng Viện CIEM cho rằng, lượng cầu bên ngoài suy giảm mạnh hơn. 10 năm trước Việt Nam đã tăng trưởng xuất khẩu liên tục 2 con số. Hiện giá đầu vào, nhất là nhập khẩu tăng cao hơn. Tất cả chi phí đầu vào đều tăng cao hơn nhiều tốc độ tăng CPI.

Việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp qua tất cả các kênh đều khó hơn, thậm chí tắc nghẽn. Đối với tín dung ngân hàng, trước đây có tài sản thế chấp là được vay, nay có thế chấp cũng không vay được. Tiếp cận đất đai cũng khó và chi phí cao hơn nhiều so với trước.

Điều này đã dẫn đến hậu quả giải thể, phá sản doanh nghiệp. Sản xuất bị thu hẹp, lao động bị giảm giờ làm khiến thu nhập giảm. Hàng chục nghìn công nhân được nghỉ Tết trước nhiều tháng liên tục.

“Để thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường, cần tăng cường cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đồng thời, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc sâu rộng thông qua các FTAs song phương và đa phương”, ông Cung khuyến nghị.

Hoài Anh