Doanh nghiệp công nghệ số giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển

11:44 11/12/2021

Sáng ngày 11/12, Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ 3 được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Chủ đề của diễn đàn năm nay là "Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế". Tại Diễn đàn, bài toán chuyển đối số sẽ được thảo luận trong từng ngành từ Du lịch, Logistic, Nông nghiệp, Y tế đến Năng lượng cũng như thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số để đẩy mạnh giao thương.

Toàn cảnh Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn.

Thực hiện chủ trương Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về "Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số", năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III với chủ đề "Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế".

Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam là sự kiện thường niên hàng đầu đối với cộng đồng các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao, công nghệ số. Diễn đàn cũng là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, huy động và tập hợp nguồn lực của cả xã hội để phát triển hàng chục, hàng trăm nghìn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Hiện nay Việt Nam có gần 60.000 doanh nghiệp số. Năm 2021, nhiều doanh nghiệp công nghệ số đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm công nghệ 4.0. Bộ TT&TT đã công bố 34 nền tảng số Make in Viet Nam. Các doanh nghiệp công nghệ số như VNPT, Viettel, CMC, FPT… có tiềm lực, có đóng góp lớn trong phát triển chính quyền số, kinh tế số với việc xây dựng các nền tảng số quốc gia.

Bài toán chuyển đối số sẽ được thảo luận trong từng ngành từ Du lịch, Logistic, Nông nghiệp, Y tế đến Năng lượng cũng như thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số để đẩy mạnh giao thương.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo Bộ ngành, doanh nghiệp, chuyên gia sẽ tập trung bàn giải pháp chuyển đổi số đột phá giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi, phát triển bền vững sau đại dịch.

Ngành điện Việt Nam đi cùng hành trình chuyển đổi số

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam..

Phiên buổi sáng của Diễn đàn được bắt đầu bằng bài tham luận của ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam. Với những dẫn chứng cụ thể, ông Lâm chia sẻ về sự lớn mạnh của ngành điện Việt Nam trong khu vực đi cùng hành trình chuyển đổi số.

Ông Lâm chia sẻ: “EVN đến nay đã ban hành Nghị quyết số 473/NQ-HĐTV ngày 05/11/2018 và Quyết định số 290/QĐ-EVN ngày 06/11/2018 ban hành đề án ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Triển khai 30 nhiệm vụ gồm các dự án/đề tài cho tất cả các lĩnh vực sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh dịch vụ khách hàng”.

Theo đó, tính đến 30/11, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất đặt đứng đầu ASEAN, vượt qua Indonesia với 76 nghìn MW. Hệ thống truyền tải đường dây 500 kV, 220 KV cũng đứng đầu ASEAN.

Sản lượng điện thương phẩm 10 tháng đầu năm đạt 187 tỷ. Ông cho biết thành tựu lớn của ngành điện là đã đưa điện tới 99,% hộ dân nông thôn và 99,5% hộ dân trên toàn quốc.

Chuyển đổi số, bàn đạp khôi phục ngành du lịch

Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã chia sẻ về thực trạng trong chuyển đổi số trong ngành du lịch, những vấn đề đặt ra trong chuyển đổi số hoạt động du lịch.

Ông Phúc cho biết, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển như "vũ bão" song hành cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ như Blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI)... Điều này thể hiện rõ ràng qua các hoạt động dịch chuyển của du khách, từ bước đặt phòng, vé tàu xe đến đánh giá dịch cụ đều thực hiện trên ứng dụng di động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid-19, du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề vì liên quan đến việc di chuyển, gặp rào cản khi áp dụng các chính sách giãn cách xã hội. Ngành du lịch trên toàn thế giới đã chịu tổng thiệt hại đến 2,4 nghìn tỷ USD.

Trước tình hình thế giới như vậy, du lịch Việt Nam cũng được khuyến khích tiếp tục triển khai đề án chuyển đổi số. Trước khi Covid-19 bùng phát, ngành đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu như hệ thống khách sạn 3-5 sao, hướng dẫn viên du lịch nội địa - quốc tế, lữ hành.... Thứ hai là nền tảng kết nối liên thông các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp; cơ quan nhà nước nhận thông tin, báo cáo thông qua các đơn vị cơ sở. Thứ ba là thiết lập ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch. Và cuối cùng là hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

Bàn về những định hướng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong du lịch ở Việt Nam, ông đã đưa ra 4 định hướng chính: “Theo tôi cần tiếp tục triển khai xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số trong ngành du lịch. Thứ hai là nghiên cứu, tham mưu đề xuất các cấp chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thương mại điện tử. Thứ 3 là tiếp tục triển khai xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số trong ngành du lịch. Cuối cùng, nghiên cứu, tham mưu đề xuất các cấp chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thương mại điện tử.

Nếu coi nhân sự là xương sống của tổ chức thì thông tin chính là mạch máu lưu thông của doanh nghiệp

ông Hà Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ G-Group
Ông Hà Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ G-Group.

Tại bài tham luận, ông Hà Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ G-Group mang đến cái nhìn tổng quan giải pháp công nghệ. Theo thống kê năm 2020, cả nước có hơn 800.000 doanh nghiệp. Đại dịch trong hai năm qua tác động đến doanh nghiệp, người lao động. 28,2 triệu người lao động mất việc, giảm thu nhập. 45.611 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất. Hiện các doanh nghiệp lớn đã và trong quá trình chuyển đổi số.

Theo ông, hiện nay có sự dịch chuyển từ nền tảng số nước ngoài sang Make in Việt Nam. "Các sản phẩm Make in Việt Nam có sự linh động, có đội ngũ hỗ trợ, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sản phẩm có chi phí thấp hơn. Nền tảng nước ngoài khó khăn trong việc hỗ trợ khách hàng tại Việt Nam: rào cản ngôn ngữ, văn hóa, thời gian...", ông Kiên chia sẻ.

Theo nhiều nghiên cứu, hiệu suất làm việc tăng 12% nếu nhân sự cảm thấy hạnh phúc với công việc đang làm. Bài toán của doanh nghiệp là giải quyết được vấn đề tương tác với nhân viên, gắn kết với nhau, tạo hiệu suất công việc cao.

Hiện nay, các doanh nghiệp như Thế Giới Di Động, PNJ có sự tăng trưởng đột phá trong 2 năm qua. Các doanh nghiệp này đã và đang chuyển đổi số để thích nghi. Đa phần các doanh nghiệp đều dùng các công cụ giao tiếp phổ biến như Facebook, zalo... "Điều này khiến thông tin doanh nghiệp dễ bị rò rỉ, nhân viên sao nhãng, hiệu suất làm việc giảm", ông Kiên nói thêm. 

Một lần nữa, ông nhấn mạnh lại: "Nếu coi nhân sự là xương sống của tổ chức ,thì thông tin chính là mạch máu lưu thông của doanh nghiệp".

Sau khi các diễn giả trình bày, diễn đàn đã bước vào Phiên tọa đàm để giải đáp các câu hỏi từ đại biểu.Tại phiên tọa đàm, các diễn giả sẽ tập trung bàn về giải pháp chuyển đổi số đột phá giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi, phát triển bền vững sau đại dịch.

Phiên thảo luận để giải đáp các câu hỏi từ đại biểu
Phiên tọa đàm giải đáp các câu hỏi từ đại biểu.

Trả lời MC về công tác số hóa trong ngành năng lượng, ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ, EVN có nhiệm vụ chuyển đổi số trong vòng hai năm, thay vì 5 năm như trước đó. Đến năm 2022, tập đoàn dự kiến sẽ hoàn thành nhiệm vụ này.

Ngành điện là ngành đặc thù, cung và cầu phải song hành. Trong bối cảnh này, ngành điện Việt Nam và thế giới có ba thử thách lớn là không carbon hóa, không tập trung hóa và tự do hóa ngành điện.

Những xu hướng này đòi hỏi EVN chuyển đối số nhanh hơn, dựa trên nhu cầu của người dùng. Trong đó, tập đoàn đang nghiên cứu công nghệ Blockchain cho phép người có điện mái nhà bán điện năng lượng mặt trời cho người khác.

Một điểm nhấn của diễn đàn hôm nay là Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam 2021, nơi tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam. Lễ công bố trao giải sẽ diễn ra vào phiên chiều nay.

Để lọt vào vòng bình chọn và sơ loại cũng như chung kết, các doanh nghiệp phải chứng minh được những giá trị thực tế lớn đã mang lại cho người tiêu dùng, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Bảo Trinh - Hà Linh