Tại Tọa đàm “Xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh: Chiến lược và cách tìm kiếm thông tin” do Tạp chí Công Thương tổ chức vừa qua, ông Vũ Việt Thành – đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ - cho biết, kể từ năm 2021, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực đã trở thành động lực hết sức quan trọng, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư này lên một tầm cao mới. Có 5 tác động quan trọng liên quan đến hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai bên.
Tác động đầu tiên là lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh được hưởng lợi rất nhiều từ Hiệp định UKVFTA. Theo ông Thành, sau hơn 3 năm triển khai thực thi hiệp định, xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng liên tục và ổn định.
Doanh nghiệp cầm bắt kịp FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao tại thị trường Anh |
“Nếu tính trong cả 3 năm thực thi Hiệp định UKVFTA, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng trưởng trung bình 8,9%/năm, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình 9,4%/năm”- ông Thành nhận định và đánh giá đây là mức tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của xuất khẩu Việt Nam.
Mặt khác, Hiệp định UKVFTA với các lệnh gỡ bỏ thuế quan triệt để cũng góp phần quan trọng để nâng cao thị phần của một số nhóm hàng có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Vương quốc Anh. Cùng với đó, Việt Nam cũng kiên trì làm việc với nỗ lực rất lớn của Thương vụ Việt Nam tại Anh, đã giúp cho sản phẩm thanh long của Việt Nam tiếp tục được lưu thông bình thường trên thị trường.
Tác động thứ hai là Hiệp định UKVFTA giúp tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng của Anh vào Việt Nam. Cụ thể là các mặt hàng có hàm lượng công nghệ khoa học rất cao cũng như nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, như các sản phẩm máy móc, ô tô, hóa chất cơ bản, y tế, dược phẩm.
Tác động thứ ba, về lĩnh vực đầu tư, có thể thấy tác động của nguồn vốn đầu tư của Vương quốc Anh vào Việt Nam trong giai đoạn vừa qua có sự cải thiện rõ rệt.
Tác động thứ tư là tác động tích cực về mặt thể chế. Theo ông Thành, Hiệp định UKVFTA góp phần giúp Việt Nam cải cách thể chế trong rất nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư và phát triển bền vững, mua sắm công, dịch vụ thương mại... Điều này tạo ra không gian phát triển, nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển của hai nước trong tương lai.
Tác động thứ năm, cũng là một tác động quan trọng, đó là ở góc độ doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng rất tốt ưu đãi thuế quan từ Hiệp định UKVFTA thông qua. Ông Thành cho biết, tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo mẫu của Hiệp định này hiện nay ở mức trên 30%, nghĩa là tăng trưởng ổn định dần đều qua các năm, cũng như một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành hơn rất nhiều trong việc tiếp cận thị trường, đưa hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Anh, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao về tiêu dùng xanh, phát triển bền vững, nâng cao trách nhiệm của người sản xuất cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng, qua đó có thể tận dụng lâu dài lợi ích từ hiệp định này trong thời gian tới.
Tuy nhiên phải nhìn nhận, UKVFTA đang đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải có những bước chuyển mình để thích ứng. Đưa ra ý kiến tại tọa đàm “Cơ hội phát triển sản phẩm thương mại xanh sang thị trường Anh” ngày 11/12, bà Nguyễn Sơn Trà, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho hay UKVFTA là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và trong đó đưa ra rất nhiều các cam kết liên quan đến thương mại và phát triển bền vững.
Theo đó, UKVFTA có hẳn một chương riêng về thương mại và phát triển bền vững. Trong chương đó, hai bên đã cam kết sẽ thúc đẩy và thực thi hiệu quả các Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà hai bên đều là thành viên và các hiệp định đa phương về môi trường mà hai bên đã tham gia ký kết.
Bà Nguyễn Sơn Trà, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương |
Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác thông qua cơ chế chia sẻ thông tin và kinh nghiệm để thúc đẩy việc phê chuẩn và thực thi các công ước trong liên quan đến các hiệp định đa phương khác về biến đổi khí hậu, về đa dạng sinh học hay là các hiệp định về quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản, thúc đẩy phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững.
Đặc biệt hai bên cũng cam kết sẽ hợp tác tích cực để chống lại các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU). Hai bên cũng có những cam kết để thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp phù hợp với pháp luật hoặc chính sách trong nước với điều kiện không gây ra sự phân biệt đối xử tùy tiện và vô lý hoặc tạo thành một phương thức hạn chế thương mại trá hình.
“Đây là một vấn đề mà cả hai bên rất quan tâm. Cho nên trong khuôn khổ chương thương mại và phát triển bền vững của Hiệp định UKVFTA, hai bên cùng cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thực thi nghiêm túc. Thông qua cơ chế minh bạch hóa thông tin, thúc đẩy đối thoại, thành lập Ủy ban về thương mại và phát triển bền vững, rà soát thực tình hình thực thi, từ đó phát hiện những vướng mắc, những bất cập và tìm kiếm giải pháp phù hợp”, bà Trà nhấn mạnh.
Cũng theo khuôn khổ của Hiệp định này, hai bên có những quy định liên quan đến việc cho phép sự tham gia đóng góp cũng như sự tham gia có ý kiến rộng rãi của các tổ chức phi Chính phủ thông qua cơ chế nhóm tư vấn trong nước (DAG). Tuy nhiên nó không đặt ra các vấn đề về trừng phạt thương mại.
Cùng quan điểm ông Nguyễn Cảnh Cường, nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, cho rằng phát triển bền vững bây giờ đã trở thành một nội dung không thể thiếu trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
“Ý tưởng này lúc đầu được coi như một yêu cầu tự nguyện, không mang tính bắt buộc cho các đối tác, nhưng khái niệm tự nguyện dần dần cũng trở thành bắt buộc. Nó không phải một yêu cầu từ phía Chính phủ, không phải một yêu cầu từ các luật định của Chính phủ Anh, nhưng nó đã trở thành một trong những yêu cầu tiên quyết của các nhà phân phối, của các doanh nghiệp nhập khẩu”, ông Cường nhấn mạnh.
Do đó, khi đi tìm đến hạ nguồn hàng thì những yêu cầu về phát triển bền vững này dù gọi là tự nguyện nhưng cũng là yêu cầu bắt buộc. Bởi vì nếu các nhà xuất khẩu hay các nhà sản xuất muốn xuất khẩu sản phẩm sang Anh không đạt được các tiêu chí phát triển bền vững thì cũng không được hoan nghênh.