Đỉnh ngàn Nưa – “Nơi mong đến, chốn tìm về” của du khách muôn phương

17:11 30/01/2023

Nằm trên đỉnh núi Nưa, quần thể Di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên bao gồm "Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên" thuộc địa phận huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa luôn là “nơi mong đến, chốn tìm về” của du khách muôn phương.

Khu Di tích lịch sử Quốc Gia Đền Nưa - Am Tiên linh ngày
Khu Di tích lịch sử Quốc gia Đền Nưa - Am Tiên linh ngày "Mở cổng trời".

Quần thể Di tích lịch sử Quốc gia này có huyệt đạo thiêng cũng là nơi đất trời giao thoa (hay còn gọi là “cổng trời”). Theo quan niệm dân gian, ngày mồng 9 Âm lịch hàng năm chính là ngày mở cổng trời, nên cho dù ngày đó trời có mưa gió, bão bùng thì có một thời khắc nhất định núi Nưa sẽ quang đãng, hanh thông, đất trời như rộng mở. Hay mỗi lần đất nước có sự đổi thay nào đó, đêm đến người dân quanh vùng lại thấy có một vệt sáng trên đỉnh ngàn Nưa.

Năm nào cũng vậy ngày “mở cổng trời”, người dân tứ phương thường đến đây cầu cho một năm mới mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc, đủ đầy... Nơi “mở cổng trời” là vị trí cao nhất của đỉnh núi, vị trí huyệt đạo. Đứng trên đỉnh huyệt đạo có thể quan sát làng mạc, những cánh đồng rộng lớn. Theo quan niệm dân gian, người dân và du khách khi đến huyệt đạo, nam đi 7 vòng, nữ đi 9 vòng xung quanh sẽ có được may mắn trong năm. 

Huyệt đạo linh thiêng trên đỉnh Ngàn Nưa
Huyệt đạo thiêng trên đỉnh Ngàn Nưa.

Đỉnh núi Nưa, nơi có động Am Tiên là một khu đất rộng và khá bằng phẳng. Tuy ở độ cao 585m so vơi mực nước biển nhưng ở đấy vẫn có mạch nước ngầm chảy ra trong vắt đã tạo thành một cái giếng tự nhiên rất đặc biệt mà dân gian đặt tên là Giếng Tiên. Nơi đây mây mù bao phủ, nhất là vào sáng sớm. Người dân và du khách lên đây được đi trong làn sương mù huyền ảo. 

Du khách khi đến huyệt đạo, nam đi 7 vòng, nữ đi 9 vòng xung quanh sẽ có được may mắn trong năm.
Du khách khi đến huyệt đạo, nam đi 7 vòng, nữ đi 9 vòng xung quanh sẽ có được may mắn trong năm.

Gắn với lịch sử cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu, địa danh lịch sử này như “chốn bồng lai tiên cảnh” nổi tiếng linh thiêng cả nước… Do vị trí, địa hình ở thế đặc biệt núi Nưa được xem là ngọn núi chủ của đồng bằng xứ Thanh, được sử sách ghi chép và là đề tài sáng tác thơ văn của nhiều thi sĩ. Tương truyền, Việt Nam có 3 huyệt đạo thiêng. Ngoài huyệt đạo ở núi Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội) và huyệt đạo ở núi Bà Đen (Tây Ninh) thì nơi đây chính là huyệt đạo thiêng thứ 3 của đất nước. Huyệt đạo ở Am Tiên được xem là nơi năng lượng vũ trụ của Trời và Đất giao hòa, cũng là một trong những huyệt đạo quan trọng nhất của nước Việt Nam.

Ngàn Nưa linh liêng gợi nhắc câu chuyện về người ẩn sĩ đã hóa thành chim hạc tại nơi này. Ngay trong cái tên Ngàn Nưa cũng nhắc nhớ về ông Nưa - một trong những nhân vật tiêu biểu trong hệ thống nhân vật khổng lồ trong huyền thoại xứ Thanh, người đã có công lao mở mang xóm làng, đồng ruộng giúp người dân có kế sinh nhai, xây dựng cuộc sống no ấm đời này qua đời khác. 

Tục xin chữ may mắn đầu năm tại Đền Nưa- Am Tiên
Tục xin chữ may mắn đầu năm tại Đền Nưa- Am Tiên.

Ngày 27/3/2009, quần thể di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh núi Nưa gồm “Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên” đã được nhà nước xếp hạng di tích thắng cảnh cấp Quốc gia. Mỗi năm, quần thể Di tích lịch sử văn hóa quốc gia này đón hàng vạn lượt khách du lịch. Mùa lễ hội Am Tiên sẽ khai mạc vào ngày mùng 9 tháng giêng, và kéo dài đến ngày 20.  

Du khách và người dân tấp nập  lên
Du khách và người dân tấp nập lên "cổng trời".

Đến "Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên" du xuân, điều quý giá nhất mà du khách nhận thấy ở đây là vẫn giữ được nét cổ kính xưa và quy tắc đền chùa, không bị thương mại hóa. Ngoài ra, không khí, môi trường, cảnh quan tại Am Tiêm rất linh thiêng, huyền ảo. Người đi lễ khá nề nếp tạo cảm thấy thoải mái khi du xuân. Khi đến chùa Am Tiên, thắp hương đền Mẫu, đi vòng quanh huyệt đạo thiêng, ngắm cảnh, thăm và uống nước giếng Tiên, mọi người cảm thấy rất thanh thản. 

Theo đại diện Ban Quản lý di tích Đền Nưa - Am Tiên: Sau nhiều năm phải hạn chế du khách do dịch Covid-19, Lễ hội Am Tiên năm nay có rất nhiều du khách khắp nơi về đây vãn cảnh du xuân. Bắt đầu từ ngày mồng 1 Tết. Để đảm bảo công  tác an toàn cho du khách Ban quản lý Di tích yêu cầu nhân dân và du khách không mang các vật dụng dễ cháy vào trong các đền, không tự ý thắp hương, đốt nến trong đền, vì đã có hương vòng của nhà đền thắp, chỉ thắp hương tại lưu hương trước sân đền, không cắm hương vào các gốc cây trước nhà đền, dọc lối đi lên huyện đạo và các gốc cây trong toàn thể khu di tích; chú ý giữ gìn vệ sinh – môi trường trong khu di tích.

Minh Hiền